(HNM) - Sân khấu Thủ đô có nhiều lợi thế để phát triển, góp sức đưa Hà Nội trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu cả nước. Song, sự chuyển động của sân khấu thời gian gần đây còn chưa rõ nét. Cùng với những cơ chế, chính sách khuyến khích, các đơn vị và người hoạt động nghệ thuật cần mạnh dạn đổi mới, có những đột phá cần thiết để sân khấu Thủ đô phát triển, hiện thực hóa được những mục tiêu đề ra.
Những điểm sáng nghệ thuật
Khi các sân khấu biểu diễn được mở cửa trở lại, Sân khấu Lệ Ngọc đã sẵn sàng với 3 vở mới, đa dạng đề tài: “Làm vua” (lịch sử), “Nước mắt của mẹ” (tâm lý, hiện đại), “Vụ án người đốt đền” (kinh điển thế giới), để phục vụ khán giả tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chỉ sau 1 tuần mở bán qua điện thoại và mạng xã hội, vé xem các suất diễn đã được bán hết. Đón bắt dịp hè, Sân khấu Lệ Ngọc cũng có lịch diễn liên tục vở “Dế Mèn” vào cuối tháng 5 ở Thủ đô. Bộ phận bán vé nhiều lần phải cáo lỗi khán giả khi chậm phản hồi vì quá tải tin nhắn, điện thoại đặt vé. Cùng với biểu diễn, đơn vị vẫn dàn dựng vở mới, bảo đảm mỗi năm ra mắt 6-7 tác phẩm.
Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng bắt đầu lấy lại phong độ của đơn vị giữ kỷ lục số suất diễn trong năm với việc biểu diễn thường xuyên vào thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật và tăng dần số suất trong ngày đáp ứng nhu cầu của khán giả. Trong khi đó, Nhà hát Kịch Hà Nội đang gấp rút dàn dựng thêm các tác phẩm trên sân khấu nhằm đem đến trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật mới cho khán giả Thủ đô. Trước yêu cầu của khán giả qua mạng xã hội và đường dây nóng, nhà hát duy trì biểu diễn tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vào các tối cuối tuần...
Cùng với các đơn vị nghệ thuật của Thủ đô, các đơn vị sân khấu chuyên nghiệp đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng tạo sức hút với những chương trình, tác phẩm mới được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp. Sau khi ra mắt vào tháng 3-2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở nhạc kịch thuần Việt “Sóng” của Nhà hát Tuổi trẻ đang mở bán vé công diễn lần 2 vào giữa tháng 5 tới.
Nghệ sĩ ưu tú Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Tổng đạo diễn vở nhạc kịch “Sóng” tự hào cho biết, đơn vị đã thiết lập được quy trình sản xuất một vở nhạc kịch thuần Việt chuyên nghiệp, theo hướng chuẩn quốc tế, hứa hẹn từng bước tạo nên một ngành công nghiệp văn hóa với nhạc kịch.
Đầu tư chất lượng, đích đến chính xác
Đó chỉ là một số điểm sáng, còn nhìn chung, sân khấu Thủ đô vẫn khá ảm đạm. Nhiều đơn vị nghệ thuật vẫn chỉ dàn dựng vở diễn theo kế hoạch và ra mắt cho hoàn thành chỉ tiêu. Tình trạng diễn miễn phí thì đông khán giả, còn bán vé thì thưa vắng vẫn xảy ra, nhất là ở các đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Còn nhiều nghệ sĩ vừa làm việc tại đơn vị, vừa phải “chạy sô” hát, diễn ở các sự kiện bên ngoài hay làm thêm nghề “tay trái” kiếm sống...
Để sân khấu Thủ đô phát triển, theo Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, việc thay đổi trong hoạt động sân khấu là điều tất yếu, phải làm ngay. Trước kia, các đơn vị và nghệ sĩ sân khấu Thủ đô chỉ đơn thuần sáng tạo, xây dựng vở diễn, chương trình nghệ thuật. Nhưng nay, họ phải thêm sự nhạy bén về thị trường, nắm bắt tâm lý và nguyện vọng của khán giả. Từ đó, mỗi đơn vị bắt đầu quy trình xây dựng tác phẩm, mời ê kíp sáng tạo gồm tác giả, đạo diễn, diễn viên và các thành phần sáng tạo phù hợp với ý tưởng; đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất từ sân khấu đến âm thanh, ánh sáng; sử dụng công nghệ thông tin; có chiến lược để tiếp cận khán giả.
“Một sản phẩm chất lượng tốt cần một “bao bì” đẹp, một “kênh phân phối” chính xác đến đúng đối tượng khán giả”, Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu nhận định.
Từ thành công của một số đơn vị sân khấu xã hội hóa ở Thủ đô thời gian qua, Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Quang Khanh (Hội Sân khấu Hà Nội) cho rằng, phải đẩy mạnh xã hội hóa sân khấu. Các cơ quan quản lý từ trung ương đến Hà Nội cần có chính sách thu hút đầu tư vào sự nghiệp sân khấu, khuyến khích thành lập các đơn vị sân khấu xã hội hóa. Với sân khấu xã hội hóa, ngoài ưu đãi về thuế, thành phố Hà Nội nên “đặt hàng” hoặc hỗ trợ về kinh phí cho những vở diễn tốt. Bên cạnh đó, sân khấu Thủ đô cần đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong khâu quảng bá và tổ chức biểu diễn để những vở diễn, chương trình hay được đến với đông đảo khán giả.
Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Hà Nội đề xuất, riêng ở Thủ đô phải xây dựng cơ chế, chính sách cho các đơn vị nghệ thuật sáng tạo các mô hình kinh doanh nghệ thuật mới, gắn với nhu cầu thị trường, để thúc đẩy sự năng động, sáng tạo, đổi mới, kích thích các tài năng và nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nghệ thuật, đóng góp vào nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.