Cuốn sách “Văn hóa trầm hương Việt Nam” của Tiến sĩ Nguyễn Duy Thái, do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, khẳng định văn hóa trầm hương không chỉ là một hiện tượng “ở Việt Nam” theo nghĩa địa lý, mà là một phần “của Việt Nam” - mang yếu tố sở hữu, nguồn gốc và bản sắc, góp phần tăng cường “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam.
Trầm hương là một trong những sản vật quý giá của thiên nhiên ban tặng cho đất nước Việt Nam. Từ các ghi chép lịch sử và những thống kê của thời hiện đại, trầm hương của Việt Nam từ rất lâu đã được công nhận là loại trầm hương có chất lượng tốt nhất, số lượng dồi dào và có giá trị kinh tế cao nhất trong các loại trầm hương trên thế giới.
Ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, ngành trầm hương phát triển rất mạnh, ước tính giá trị giao dịch lên tới hàng tỷ USD mỗi năm và trầm hương có nguồn gốc từ Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, được săn đón trên toàn thế giới.
Với tiềm năng to lớn của sản vật trầm hương Việt Nam, cùng với bối cảnh toàn cầu hóa toàn diện và sâu rộng, việc nhận diện, định danh và phát triển thương hiệu trầm hương Việt Nam là yêu cầu cấp thiết, gắn liền với chiến lược tăng cường “sức mạnh mềm” văn hóa quốc gia.
Cuốn sách “Văn hóa trầm hương Việt Nam” của Tiến sĩ Nguyễn Duy Thái là một công trình nghiên cứu công phu, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Tác phẩm gồm 3 chương: “Văn hóa trầm hương trong tổng thể văn hóa Việt Nam”, “Nhận diện văn hóa trầm hương Việt Nam”, “Vai trò của văn hóa trầm hương và tăng cường “sức mạnh mềm” văn hóa trầm hương Việt Nam”.
Với lối tiếp cận khoa học, hệ thống và gắn liền thực tiễn, cuốn sách không chỉ cung cấp cái nhìn hệ thống, bài bản về nguồn gốc, đặc điểm và cơ sở hình thành văn hóa trầm hương Việt Nam, mà còn chỉ ra vai trò của trầm hương trong các lĩnh vực sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng, nghệ thuật và ngoại giao. Tác giả khẳng định rằng, văn hóa trầm hương không chỉ là một hiện tượng “ở Việt Nam” theo nghĩa địa lý, mà là một phần “của Việt Nam” - mang yếu tố sở hữu, nguồn gốc và bản sắc.
Cuốn sách cũng cho thấy cần xem trầm hương là một biểu tượng văn hóa thuần Việt như cách thế giới đã biết đến phở, áo dài, hay nón lá - những đại diện tiêu biểu của Việt Nam trên bản đồ văn hóa toàn cầu. Đồng thời, cuốn sách đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ di sản, thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa gắn với trầm hương một cách bền vững, hiện đại và có chiều sâu.
Trong bối cảnh ngành sản xuất trầm hương đang có những bước tiến mới cả về chất và lượng thì những nghiên cứu về lịch sử, văn hóa trầm hương như công trình này một mặt sẽ góp phần giữ gìn những nét đẹp truyền thống của cha ông, mặt khác giúp lan tỏa giá trị văn hóa trầm hương Việt Nam ra toàn cầu, tăng cường “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.