(HNM) - Sau hai mùa hè im ắng do dịch Covid-19, sân khấu dành cho thiếu nhi đang bừng nở và sôi động. Các chương trình, vở diễn ra mắt dịp này được dàn dựng công phu, phong phú về hình thức thể hiện, giàu sáng tạo nghệ thuật, hứa hẹn đem đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn.
Đa dạng và sinh động
Vừa bước vào mùa hè 2022, Nhà hát Kịch Hà Nội đã sẵn sàng biểu diễn các vở “Hai viên ngọc thần”, “Sự tích dã tràng” do Nghệ sĩ nhân dân Tuấn Hải đạo diễn, lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Việt Nam.
Sự hóa thân tuyệt vời của các nghệ sĩ Thanh Hương, Thiện Tùng, Tiến Lộc… trên sân khấu rực rỡ, hiện đại, khiến các em nhỏ không thể rời mắt. Không chỉ vậy, sau mỗi buổi diễn, khán giả nhí còn được giao lưu với những diễn viên nổi tiếng, nên rất phấn khích. Như Nghệ sĩ ưu tú Quang Thắng trong buổi diễn mới đây đã khuấy động sân khấu bằng nhiều câu hỏi thú vị liên quan đến những con vật dưới đại dương, sau đó ký tặng các em nhỏ…
Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, mùa hè này, nhà hát có rất nhiều món quà sân khấu dành cho trẻ em, ngoài “Hai viên ngọc thần” còn có vở “Điệp vụ trăng rằm”, “Nữ hoàng băng giá” cũng hấp dẫn không kém.
Là đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên dành cho đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng, bắt đầu từ ngày 14-5, Nhà hát Tuổi trẻ triển khai dự án nghệ thuật “Mùa hè yêu thương”, nhằm mang đến niềm vui, sự hứng khởi, bổ ích cho trẻ em. Dự án gồm 3 tác phẩm được đầu tư dàn dựng công phu: Vở nhạc kịch “Bầy chim thiên nga”, vở kịch “Cuộc chiến vi rút”, vở kịch “Vaxilixa và phù thủy độc ác”. Đặc biệt, nhà hát dành “khung giờ vàng” tối thứ bảy hằng tuần cho dự án. Không chỉ thưởng thức nghệ thuật, các em nhỏ còn được giao lưu cùng các nghệ sĩ nổi tiếng của nhà hát, như: Thu Quỳnh, Lương Thu Trang, Quang Trọng, Lệ Quyên, Đức Anh…
Sân khấu tròn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam những ngày này cũng đang rộn ràng tập luyện vở kịch xiếc “Chúa tể rừng xanh” do Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng đạo diễn. Khán giả nhí sẽ được thưởng thức các màn xiếc nhào lộn, đu dây mạo hiểm cùng các màn xiếc thú đáng yêu qua câu chuyện kịch xuyên suốt. Vở kịch xiếc có sự kết hợp sáng tạo của các nhạc sĩ, biên đạo múa của Nhà hát Tuổi trẻ, hứa hẹn nhiều bất ngờ, hấp dẫn. Ngoài dịp cao điểm nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ biểu diễn cố định vào thứ năm hằng tuần tại Rạp Xiếc trung ương để khán giả nhí có điểm đến thưởng thức nghệ thuật thường xuyên.
Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc và Nghệ sĩ nhân dân Tự Long tái xuất trong mùa hè này với vở “Ngọc rồng”, biểu diễn tại sân khấu hiện đại Star Galaxy vào đầu tháng 6 tới. Sân khấu Lệ Ngọc cũng đang “cháy máy” điện thoại đặt vé cho các buổi diễn vở “Dế mèn” kéo dài từ cuối tháng 5 đến tháng 6.
Háo hức được thưởng thức các chương trình sân khấu trong mùa hè này, Nguyễn Thụy Phan, học sinh lớp 3A7, Trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy) bày tỏ: “Em rất thích được xem xiếc, kịch có các nhân vật trong sách giáo khoa hay truyện. Gia đình em thường đi xem cùng nhau và khi ra về có rất nhiều chuyện để chia sẻ, tranh luận”.
Kéo khán giả nhí đến sân khấu
Nếu như ở lĩnh vực điện ảnh, phần lớn phim chiếu rạp cho thiếu nhi đều là “hàng nhập khẩu”, thì lĩnh vực sân khấu tự hào với những tác phẩm do chính những nghệ sĩ Việt sáng tạo, thể hiện. Vì vậy, mùa diễn hè cho thiếu nhi luôn được các đơn vị nghệ thuật chú trọng và đầu tư sáng tạo, nhằm thu hút các em đến sân khấu.
Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, không giống như những buổi diễn phục vụ khán giả nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi những năm trước, năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ muốn thực hiện một dự án nghệ thuật được biểu diễn cố định vào “khung giờ vàng” tối thứ bảy hằng tuần để tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật sân khấu cho khán giả nhỏ tuổi. Các buổi diễn được thiết kế, dàn dựng phù hợp để tăng tính tương tác, trải nghiệm thực tế, từ đó thúc đẩy sự hứng thú, lạc quan, niềm vui thích và ước mơ của trẻ em.
Sau thành công của vở diễn “Cây gậy thần”, “Thượng Thiên Thánh Mẫu” kết hợp giữa nghệ thuật cải lương và xiếc, Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, đơn vị đang hướng tới việc hợp sức cùng các đơn vị nghệ thuật có loại hình nghệ thuật khác để phát huy thế mạnh từng đơn vị, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, bất ngờ phục vụ khán giả, đặc biệt là đối tượng thiếu nhi. Theo Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, việc kết hợp giữa xiếc và các loại hình nghệ thuật khác nhau đòi hỏi các nghệ sĩ phải tập luyện vất vả như những người mới vào nghề, song hiệu quả là đem đến nhiều hình thức giải trí hơn cho các em nhỏ trong cùng một chương trình.
Tương tự, tham gia viết kịch bản cho vở nhạc kịch “Ông lão đánh cá và con cá mập”, “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng cho hay, là phụ huynh của hai bạn nhỏ, thường xuyên chơi cùng con với tinh thần “mình là một đứa trẻ”, anh nhận thấy trẻ em dễ tiếp nhận những nội dung, cốt truyện gần gũi và thích thú với những hình thức thể hiện mới lạ, luôn biến đổi. Vì vậy, sân khấu cho thiếu nhi cần được xây dựng vừa giản dị, quen thuộc, vừa sinh động, linh hoạt, có yếu tố hài hước, vui nhộn. Những thông điệp, bài học được lồng ghép một cách tinh tế, nhẹ nhàng, thay vì hô khẩu hiệu… Có như vậy, sân khấu mới cạnh tranh được với các hình thức giải trí hiện đại khác trong mùa hè.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.