Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sắc màu mới trong “thánh đường nghệ thuật”

Yên Nga| 23/09/2018 07:41

(HNM) - Sắp tới, vở diễn “Mỵ” - chuyển thể từ truyện vừa “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, do Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc thực hiện, sẽ được đưa vào Nhà hát Lớn Hà Nội biểu diễn phục vụ khán giả Thủ đô và du khách.

Cảnh trong vở diễn “Mỵ”.


Hành trình từ núi rừng về Thủ đô

“Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm kinh điển của văn học cách mạng Việt Nam về đề tài miền núi. Bản chuyển thể điện ảnh cũng trở thành tác phẩm mẫu mực, vẫn được công chúng yêu thích cho đến ngày hôm nay.

Tuy nhiên, biên đạo múa Tuyết Minh vẫn mạnh dạn đưa tác phẩm lên sân khấu dưới hình thức ca múa nhạc kịch. Sau khi chuyển thể kịch bản, với sự đầu tư của Công ty cổ phần Văn hóa và truyền thông Nam Hưng (Nam Hưng Media), nghệ sĩ Tuyết Minh kết hợp với Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc để dàn dựng vở diễn.

“Các nghệ sĩ, diễn viên vốn hoạt động trong không gian đậm màu sắc núi rừng, vì thế, có khả năng chuyển tải “hồn vía” tác phẩm mạch lạc, xúc cảm hơn”, nghệ sĩ Tuyết Minh chia sẻ.

Không chỉ vậy, đạo diễn và ê kíp đã dành 5 tháng cho vở diễn, từ khâu luyện tập, dàn dựng đến sáng tác âm nhạc, thiết kế sân khấu, ánh sáng, trang phục, đạo cụ... Phần lớn diễn viên đã được đưa đến các bản làng, hòa mình vào cuộc sống đồng bào dân tộc Mông để có thể “hóa thân” vào tác phẩm một cách sinh động.

Khác với bản chuyển thể điện ảnh, vở diễn ca múa nhạc kịch không khai thác quá sâu nỗi đau và bi kịch của nhân vật Mỵ. Thông qua hình ảnh Mỵ và câu chuyện tình đẹp đẽ với A Phủ, ê kíp đã khắc họa hình ảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông cùng hình ảnh các chàng trai, cô gái Mông khỏe khoắn, dũng cảm, khát khao vươn tới hạnh phúc.

Vở diễn dài 75 phút, chia làm 3 chương. Phần 1 - “Lời yêu trên đỉnh núi” - đưa khán giả vào không khí lễ hội mùa xuân Tây Bắc trong tiếng khèn Mông mời gọi, với phiên chợ vùng cao náo nhiệt, nơi hẹn hò của những chàng trai, cô gái Mông, trong đó có Mỵ và A Phủ. Phần 2, “Con ma nhà thống lý”, là cảnh tù túng, thống khổ của Mỵ khi bị bắt ép về làm dâu nhà thống lý Pá Tra, là sự cùng cực của A Phủ khi bị phạt nợ, bị trói vào cột nhà. Phần 3 “Chạy đi” mô tả hành động Mỵ vùng dậy giải thoát cho A Phủ, cùng nhau hướng về miền đất mới…

Các tình tiết được thể hiện qua những ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau như hát, múa, xiếc, biểu diễn nhạc cụ… kết hợp với sân khấu và ánh sáng sắp đặt, đem đến những giây phút thưởng thức đầy đặn xúc cảm cho khán giả. Âm nhạc do nhạc sĩ Lê Minh Sơn và Minh Đạo viết trên chất liệu dân gian. Những dụng cụ đời thường như dao, thớt, bát, chảo, cối, ống tre, mõ trâu… được biến thành nhạc cụ hòa cùng tiếng khèn, sáo, đàn môi, kèn lá đặc trưng của núi rừng, tạo nên dấu ấn đặc sắc của vở diễn. Phần trang phục do nhóm thiết kế trẻ của TP Hồ Chí Minh đảm nhiệm, giữ nguyên phom dáng, họa tiết trang phục người Mông nhưng thay đổi chất liệu để diễn viên dễ dàng thể hiện động tác hình thể.

Vở diễn vừa đoạt giải “Chương trình ấn tượng” và đem về cho nghệ sĩ Tuyết Minh giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2018 - đợt 1. Từ núi rừng, "Mỵ" được đưa về Thủ đô, công diễn 10 buổi trong năm 2018, bắt đầu từ tối 26-9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Hướng đến khách du lịch

“Mỵ” là vở diễn đầu tiên trong dự án Nam An Show do Nam Hưng Media đầu tư, với ý định xây dựng các chương trình nghệ thuật chất lượng cao, chú trọng khai thác nét văn hóa đặc trưng của 54 dân tộc và 6 vùng văn hóa của Việt Nam nhằm phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Nam Hưng Media chia sẻ: “Chúng tôi sẽ lựa chọn những nét tinh túy của văn hóa các dân tộc để sáng tạo và phát triển thành các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa phù hợp với thị hiếu giải trí của du khách quốc tế vừa kết hợp giữ gìn, phát triển và quảng bá văn hóa Việt Nam”.

Sự gặp nhau giữa ý tưởng sản xuất Nam An Show và chủ trương đưa những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao vào Nhà hát Lớn Hà Nội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm phục vụ du khách giúp hình thành một tour tham quan, trải nghiệm nghệ thuật đặc sắc tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Theo Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội Nguyễn Thị Minh Nguyệt, sau một thời gian tạm dừng để điều chỉnh, tour tham quan và thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ tiếp tục vào năm 2019 với phần tham quan kiến trúc Nhà hát Lớn được giữ nguyên, còn phần thưởng thức nghệ thuật truyền thống sẽ được điều chỉnh với sự xuất hiện của “Mỵ”.

Tuy nhiên, khi đưa vào chương trình tour, vở diễn được thu gọn, còn khoảng 30-35 phút, chủ yếu là phần 1, nhằm giới thiệu không gian văn hóa Tây Bắc và nét sinh hoạt của người Mông.

Ông Nguyễn Thành Nam cho biết, bên cạnh vở diễn “Mỵ”, đơn vị sẽ tiếp tục kết hợp với các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp để xây dựng những chương trình nghệ thuật mang đậm màu sắc dân tộc, giới thiệu tiếp tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Về chủ trương, theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ tiếp tục lựa chọn các chương trình nghệ thuật chất lượng, đặc sắc, phù hợp với khán giả Thủ đô và du khách để đưa vào biểu diễn thường xuyên.

Từ câu chuyện tác phẩm “Mỵ”, có thể thấy, việc liên kết đầu tư dàn dựng tác phẩm chất lượng, tìm kiếm thị trường biểu diễn là hướng đi tốt cho các đơn vị nghệ thuật địa phương. Điều này cũng giúp tạo thêm danh mục biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn du khách tại Nhà hát Lớn Hà Nội và những điểm diễn khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắc màu mới trong “thánh đường nghệ thuật”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.