Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang: Cánh chim đầu đàn của sân khấu kịch đã về miền mây trắng

Nhà văn Nguyễn Hiếu| 05/02/2023 10:58

(HNMCT) - Cố Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Doãn Hoàng Giang quê gốc ở vùng Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình) nhưng đã sớm theo gia đình ra Hà Nội. Nghĩa là tính đến khi ông qua đời ở tuổi 85 (ngày 16-1-2023), ông đã có trên dưới 7 thập niên gắn bó với Hà Nội.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Hoàng Giang. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

1. Ngay từ hồi trẻ cho đến khi lão niên trước khi vĩnh biệt trần gian, Doãn Hoàng Giang đã hoàn thiện một phong cách phong trần từ bề ngoài cho đến cốt cách bên trong. Quần áo chưa bao giờ may đo mà chỉ thường mặc một “cây bò” hoặc quần ka ki túi hộp cùng với áo phông. Tôi còn nhớ, trong một cuộc họp trang trọng khi ông làm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khóa VI, đến lượt ông phát biểu, ban tổ chức đề nghị ông thay trang phục "phủi" của mình bằng trang phục phù hợp hơn, ông đã nhất quyết từ chối. Khi ông bước ra sân khấu với bộ quần áo jean, giầy "khủng bố", mũ lưỡi trai đen, túm tóc đuôi ngựa buộc sau gáy..., cả khán phòng đã bật dậy những tràng vỗ tay tán thưởng.

Trông bề ngoài ngang tàng là thế nhưng cả đời Doãn Hoàng Giang không dính đến một giọt rượu, luôn nghĩa hiệp và hào phóng. Tôi nhớ có lần ông đi dựng vở cho các đoàn kịch phía Nam, hành trang mang theo là cả một xe tải chở... các vật dụng trang bị cho gia đình. Trong hành trình xuyên Việt ấy, ông đã gặp nhiều bè bạn. Mỗi khi gặp ai, thấy họ thiếu thứ gì là ông lại tặng bạn thứ đó. Cuối cùng, khi về đến căn nhà ông ở phố Huế thì chiếc xe tải đã rỗng không... Hào hoa là thế nhưng cả đời Doãn Hoàng Giang chỉ một lần kết hôn, với nữ nghệ sĩ Nguyệt Ánh. Hai người ly hôn khi ông đang tuổi tráng niên, ông nhất quyết ở vậy gần bốn chục năm trời nuôi con, người sau này trở thành họa sĩ tài hoa Doãn Hoàng Lâm. Người ta hỏi ông từng ấy năm thì cô đơn lắm? Doãn Hoàng Giang gật đầu. Để thoát khỏi cô đơn, ông lao vào công việc bất chấp ngày đêm. Khi thì viết kịch bản, khi thì làm đạo diễn. Người ta hỏi ông sợ tuổi già chứ? Ông gật đầu. Có lẽ chính vì thế nên ngay cả khi đã vào tuổi lão 70, 80 ông vẫn trung thành với phong cách ăn mặc của giới trẻ để... được trẻ.

2. Trong sự nghiệp, Doãn Hoàng Giang đã gắn bó với rất nhiều đoàn kịch. Từ Nhà hát Kịch Việt Nam nơi ông thành nghề và trưởng thành đến Nhà hát Chèo quân đội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Kịch quân đội rồi những đoàn ở các địa phương khắp cả nước, nhưng ông gắn bó với Nhà hát kịch Hà Nội nhiều hơn cả. Chính sự gắn bó này đã tạo ra một phong cách Hà Nội riêng có cho đơn vị kịch Thủ đô này và riêng ông, mối quan hệ này đã tạo nên không ít những tuyệt phẩm kịch về Hà Nội.

Vở đầu tiên ông dựng cho Nhà hát Kịch Hà Nội mang đậm dấu ấn và thực sự đúng nghĩa là kịch dành cho người Hà Nội, đó là vở “Hà Mi của tôi”. Năm 1980, khi vở diễn này ra đời, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang chế độ bao cấp. Vậy mà Hà Mi, cô gái hút thuốc lá, mặc quần phăng đã dám tuyên bố “nếu tôi yêu ai, tôi sẽ nói công khai”. Vở kịch còn có một tên khác là “Vùng sáng” bởi không gian, bối cảnh của vở kịch là Nhà máy Điện Yên Phụ trong thời điểm cả nhà máy trở thành pháo đài để chống lại những trận bom đạn tàn phá của máy bay Mỹ, vừa phải căng sức, tìm mọi cách bảo đảm nguồn điện cho Thủ đô. Người con gái ngang tàng, yêu đời đó đã bị không ít người nghi kị về phẩm chất, nhưng bằng hành động quả cảm, luôn đi đầu trong gian khó và nhất là cô đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu với máy bay Mỹ để đảm bảo nguồn sáng Thủ đô... Cô đã viết lên một bản anh hùng ca cho tuổi trẻ Thủ đô, sự hy sinh của cô còn cảnh tỉnh, phê phán quan điểm lệch lạc “nhìn bề ngoài mà đánh giá phẩm chất con người”.

Vở diễn thứ hai đậm chất Hà thành là “Tiếng đàn vùng Mê Thảo”. Đây là kịch bản được chuyển thể từ tiểu thuyết “Chùa Đàn” nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân. Không gian mê đắm, u huyền của trang trại Mê Thảo cùng câu chuyện diễn biến ly kỳ, đầy chất nghệ thuật dường như thành cái cớ để bộc lộ tất cả tài năng đạo diễn cũng như chất Hà Nội của con người tài hoa Doãn Hoàng Giang. Người xem mê đắm trong cách kể và sự tạo dựng không gian ma mị chứa đầy tiếng đàn và tiếng ca của thể loại ca trù. Có thể nói, “Tiếng đàn vùng Mê Thảo” đã phát lộ tố chất nghệ thuật của NSND Doãn Hoàng Giang.

Vở diễn về đề tài Hà Nội đáng nói nữa của NSND Doãn Hoàng Giang là “Chu Văn An - Người thầy của muôn đời”, một vở kịch góp tiếng chuông cổ vũ sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, góp phần từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng. Nội dung của vở kịch nói về vua Trần Dục Tông, trong giai đoạn nhà Trần bắt đầu suy vong, đã có hành vi ăn chơi hưởng lạc, dung dưỡng bọn hoạn quan, xây cung điện nguy nga, các công trình ăn chơi như hồ Lạc Thanh nuôi cá sấu, nghe theo lời thầy thuốc Tàu sai bắt 23 đứa trẻ để lấy tim làm thang dẫn thuốc bất chấp nạn đói, hạn hán đang đe dọa..., khiến lòng dân bất bình, các trung thần phản đối... Chu Văn An, thầy của vua khi ấy đã dâng sớ đòi vua trảm bảy tên gian thần. Bằng cách kể khéo léo cùng những mảng miếng linh hoạt thông minh như cảnh Chu Văn An dùng roi tiên đánh vào long bào để dạy vua, cảnh Chu Văn An đi vi hành để hiểu nỗi thống khổ của dân... Diễn viên Tự Long, dưới bàn tay đạo diễn tinh tế, am hiểu của Doàn Hoàng Giang, đã thực sự trưởng thành thêm một bậc khi anh xuất thần nhập vai thầy Chu với sự đĩnh đạc, đầy tình người nhưng kiên định... Vở “Chu Văn An - Người thầy của muôn đời” ngay sau khi công diễn đã liên tiếp đón nhận huy chương, giải thưởng cao nhất tại Liên hoan nghệ thuật chèo toàn quốc, cuộc thi của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam...

3. Giờ đây, cố NSND Doàn Hoàng Giang, đạo diễn tài năng, cánh chim đầu đàn trong làng kịch Việt Nam đã không còn nữa. Trên dưới nửa thế kỷ, con người tài hoa và yêu nghề, yêu đời này đã góp phần làm thay đổi diện mạo của sân khấu Việt Nam từ Nam ra Bắc. Ông đã đạo diễn 131 vở, trong đó có 100 vở lớn, tạo ra không biết bao nhiêu “cơn địa chấn” trên sàn diễn, trong lòng người xem và cả trong giới chuyên môn. Ở bất kỳ thể loại sân khấu nào ông cũng “găm” tên tuổi của mình vào những vở diễn thành công, như các vở kịch nói “Bài ca Điện Biên”, “Nhân danh công lý”, “Lịch sử và nhân chứng”, “Đêm trắng”, “Người về từ thiên đường”, hay các vở chèo như “Nàng Si-ta”, “Chu Văn An - Người thầy của muôn đời”, “Tiếng đàn vùng Mê Thảo”, các vở cải lương như “Đức Thánh Trần”, “Linh hồn Đại Việt”, “Nữ tướng Lê Chân”, “Hoàng hậu Ba Tư”...

Doãn Hoàng Giang yêu Hà Nội, mảnh đất mà hơn 70 năm ở đó ông sống hết mình và làm việc cũng hết mình, cống hiến cho nghệ thuật và tạo nên tên tuổi. Mỗi khi nghĩ đến con người danh tiếng này, tôi lại nhớ đến câu nói gan ruột của ông: “Tôi vào đời gian truân và cay đắng. Dẫu không yêu thích quãng đời đen tối đã qua, nhưng tự thâm tâm tôi biết tên tuổi Doãn Hoàng Giang được làm nên từ đó”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo diễn Doãn Hoàng Giang: Cánh chim đầu đàn của sân khấu kịch đã về miền mây trắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.