Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rượu ”tự trọng”

Nữ Quỳnh| 06/04/2013 06:23

(HNM) - Chắc chắn nhiều người đã từng được nghe về loại rượu này khi năm 2011, nó lần đầu tiên được các cổ động viên bóng đá gửi biếu 19 vị trong Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Nghe nói, đến nay 19 chai

Rượu cũ chưa dùng, hay nói đúng hơn là chưa phát huy tác dụng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nên năm 2012, những người biếu quà lại gửi thêm 3 chai nữa. Và đến năm nay, thay vì gửi rượu, các cổ động viên gửi đến VFF một bức "tâm thư" nói về lòng tự trọng.

Về câu chuyện phẩm chất tự trọng của công bộc, lâu nay, dư luận cũng nhiều lần nhắc đến hai chữ này, đòi hỏi "người trong cuộc" nên từ chức, xem đó như một sự tự trọng khi một cán bộ, công chức nào đó mắc sai phạm hoặc yếu kém trong quản lý… Điều này dường như là một tất yếu. Nhưng dĩ nhiên, tự trọng không chỉ có vậy.

Theo từ điển, tự trọng là coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình. Tức là việc tự ý thức về giá trị bản thân mình, tự tôn trọng mình. Ở khía cạnh xã hội, người có lòng tự trọng trước hết phải là người tôn trọng các quy tắc chung của cộng đồng, xã hội, tôn trọng và chấp hành đúng pháp luật mà không phụ thuộc vào bất cứ sự giám sát hay ép buộc nào từ người khác.

Ba ngày trước (ngày 3-4), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ban hành một chỉ thị yêu cầu cán bộ, công chức của bộ này tuyệt đối không vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông và tuyên truyền để mọi người xung quanh chấp hành khi tham gia giao thông. Bộ trưởng Thăng cũng cấm cán bộ, công chức lợi dụng địa vị, chức vụ, quyền hạn, uy tín, mối quan hệ và ảnh hưởng của mình để can thiệp vào việc xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng. Nói một cách dễ hiểu là không lấy danh nghĩa chức vụ, cơ quan để "xin xỏ" nếu có vi phạm giao thông.

Thực ra, chỉ thị này về mặt pháp lý là thừa, bởi những yêu cầu đó chính là các quy tắc được quy định trong nhiều hệ thống văn bản pháp luật mà bất cứ công dân nào, bao gồm cả cán bộ, công chức, đều phải chấp hành. Tức là về nguyên tắc, Bộ trưởng Thăng chẳng cần thiết phải ban hành chỉ thị nói trên. Tuy nhiên, dù cho có là tình huống "cực chẳng đã" thì vẫn cần đánh giá cao động thái ấy. Nó cần được nhân rộng đến nhiều cơ quan, cán bộ công chức khác. Vì trên thực tế tình trạng "lạm dụng" vẫn diễn ra khá phổ biến, không cứ gì là cán bộ ngành GTVT.

Vừa mới đây, chúng ta đã triển khai một đợt lấy tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với một số chức vụ dân cử. Có thể xem đây như một cơ sở để cán bộ, công chức soi lại lòng tự trọng, từ đó có ý thức hơn để làm gương cho xã hội. Và cũng không chỉ là tự trọng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, mà cần phải biết tôn trọng các chuẩn mực đạo đức xã hội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một lần tiếp xúc cử tri TP Hồ Chí Minh năm 2012 khẳng định: "Cùng với pháp luật còn các giải pháp khác, kể cả về giáo dục đạo đức, giáo dục lối sống, lẽ sống để làm sao mỗi cán bộ, công chức đều có lòng tự trọng, có trách nhiệm cao với đất nước".

Lòng tự trọng sẽ dẫn dắt người ta đến cách hành xử đúng. Những ai có lòng tự trọng chắc chắn sẽ hành động có trách nhiệm với cộng đồng, không vì lợi ích riêng mà gây tổn hại đến cái chung. Điều quý giá ấy càng cần hơn với những người là công bộc của dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rượu ”tự trọng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.