(HNM) - Dù đã có rất nhiều lời cảnh báo nhưng thời gian qua, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội vẫn phải tiếp nhận không ít trường hợp do tự điều trị mà rước họa từ việc sử dụng thuốc đông y “3 không” (không giấy phép, không kiểm định chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ). Thậm chí, cơ quan chức năng đã phát hiện thuốc đông y trôi nổi còn được trộn thêm tân dược, chất cấm... bất chấp những biến chứng có thể xảy ra với người sử dụng.
Vào bệnh viện để bán thuốc trái phép
Cuối tuần qua, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đưa ra cảnh báo về tình trạng mạo danh bệnh viện để bán thuốc đông y, thuốc không nguồn gốc. Đại diện bệnh viện này cho biết, một loạt trang fanpage giả mạo vừa được lập ra đã cắt ghép hình ảnh, video về bệnh viện và lồng tiếng quảng cáo nhằm tạo niềm tin, từ đó tổ chức kinh doanh các mặt hàng thuốc trái phép. Tinh vi hơn, một số đối tượng còn ngang nhiên giả danh nhân viên bệnh viện chèo kéo, mời chào người bệnh mua các loại thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ… ngay tại phòng khám của Bệnh viện trung ương Quân đội 108.
Các loại thuốc đông y gia truyền được rao bán khắp nơi với đủ lời quảng cáo “có cánh”, như: Điều trị tận gốc, không gây hại... Cùng với đó là thói quen sử dụng thuốc tùy tiện khiến không ít người rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Điển hình như trường hợp của nam bệnh nhân 63 tuổi (ở huyện Thanh Trì), sau khi nghe người quen giới thiệu về một loại thuốc Nam dạng viên chữa đái tháo đường rất tốt, đã bỏ ra 10 triệu đồng mua 20 gói về uống. Sau khi uống được gần 20 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn mửa, được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả xét nghiệm viên thuốc mà bệnh nhân sử dụng đã tìm thấy thành phần phenformin, chất đã bị thế giới thu hồi và cấm sử dụng từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Trước đó, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã điều trị cho một nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy đa tạng kèm viêm phổi sau một thời gian dài sử dụng thuốc Nam.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu thuốc Nam bệnh nhân gửi đến phát hiện có chất paracetamol - là thuốc giảm đau, hạ sốt, chỉ được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc trộn paracetamol vào thuốc Nam với liều lượng không được công bố khiến bệnh nhân bị ngộ độc là việc làm phi pháp, cần lên án.
Còn Bệnh viện Nhi trung ương đã phải tiếp nhận, điều trị cho 2 trường hợp: Bé T.X.H (6 tuổi, ở Hà Nội) bị thận hư, phù cơ thể, tăng đến 8kg; bé N.A (15 tuổi, ở Thanh Hóa) rơi vào tình trạng suy thận nặng, nguy hiểm đến tính mạng… đều do sử dụng thuốc Nam không rõ nguồn gốc.
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng thường xuyên tiếp nhận điều trị cho các trường hợp bị biến chứng do sử dụng thuốc đông y “3 không”. Điển hình là bệnh nhân N.T.T (30 tuổi, ở Hà Nội) đã giấu chồng mua thuốc đông y trên mạng để điều trị đái tháo đường. Hậu quả, sau khi sử dụng, nữ bệnh nhân đã phải nhập viện vì đường huyết tăng cao, sụt cân và mệt mỏi.
Bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, tình trạng bán thuốc qua mạng, quảng cáo thuốc tràn lan ngày càng đáng báo động. Với các bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, xương khớp, thận... cần phải tuân thủ tuyệt đối việc điều trị, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã bỏ dở việc điều trị, tự tìm mua và sử dụng những loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc, khiến bệnh ngày càng trầm trọng.
Đừng uống thuốc theo truyền miệng
Với nhiều loại bệnh mạn tính, việc kết hợp đông - tây y trong điều trị được áp dụng khá phổ biến và mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) lưu ý, khi sử dụng thuốc đông y hay kết hợp thuốc đông y với tây y cần phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Không nên tùy tiện kết hợp thuốc đông y và tây y vì dễ gặp phải tương tác thuốc, khiến bệnh dễ nặng hơn. Thậm chí, việc sử dụng thuốc đông y mà không biết rõ nguồn gốc, chỉ nghe theo sự mách bảo hay truyền miệng dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.
“Để hạn chế việc sử dụng thuốc đông y bừa bãi cũng như ngăn chặn các “thầy lang rởm” bán thuốc tràn lan cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và chính người bệnh. Người bệnh cần tỉnh táo khi lựa chọn phương pháp điều trị, không nên tin vào những lời truyền miệng hay hình ảnh quảng cáo để phải trả giá đắt bằng chính sức khỏe của mình”, bác sĩ Đinh Thế Tiến nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng, người dân cần cảnh giác và tránh xa những lời quảng cáo về các loại thuốc đông y gia truyền không bảo đảm về nguồn gốc, không có các thông tin đầy đủ, rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế. Khi nghi bị ngộ độc hoặc phản ứng bất lợi do thuốc gây ra cần giữ lại tất cả mẫu thuốc còn lại, sau đó chuyển cho cơ quan chức năng hoặc bệnh viện tuyến cuối kiểm tra, xét nghiệm, từ đó xác minh và có các biện pháp ngăn chặn ngộ độc có thể xảy ra với người khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.