Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rộng cửa hòa nhập cho người khiếm thị

Vũ Minh| 14/12/2022 06:29

(HNM) - Những năm qua, Đảng, Nhà nước cùng các cơ quan chức năng và cộng đồng luôn quan tâm mở rộng cánh cửa hòa nhập cho người khiếm thị bằng nhiều giải pháp khả thi. Trong đó, trọng tâm là giúp người khiếm thị vượt lên hoàn cảnh bằng con đường học tập, nâng cao nhận thức, hiểu biết, có việc làm để làm chủ cuộc sống.

Hoạt động giao lưu giữa người khiếm thị với người mắt sáng trong dự án The Eyes Project (dự án kết nối người khiếm thị với cộng đồng). Ảnh: Mộc Miên

Trao cơ hội, tạo thành công

Theo Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, cả nước có khoảng 1 triệu người khiếm thị, tương ứng với gần 1% dân số, trong đó khoảng 600.000 người hỏng thị lực hoàn toàn.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng luôn quan tâm đến công tác dạy chữ, dạy nghề, tạo điều kiện cho người khiếm thị hòa nhập cộng đồng. Đến nay, hệ thống các trường học chuyên biệt dành cho người khiếm thị đã hình thành tại nhiều địa phương. Hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) Phạm Thị Kim Nga cho biết: “Nhà trường tổ chức giảng dạy theo phương thức lấy học sinh làm đối tượng trung tâm, giúp các em có điều kiện học tập, phát triển phù hợp với khả năng”.

Ngoài ra, chương trình giáo dục hòa nhập cũng tạo môi trường giáo dục tích cực, thân thiện cho học sinh, sinh viên khiếm thị tiếp cận tri thức, kỹ năng. Trưởng thành từ môi trường giáo dục hòa nhập, Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô năm 2019 Vũ Thị Hải Anh chia sẻ: “Tôi không nhìn thấy ánh sáng từ khi mới lọt lòng mẹ. Nhờ được học tập, có tri thức, tôi có thể đảm nhận cùng lúc nhiều công việc, như làm cộng tác viên cho một số cơ quan báo chí, dẫn chương trình trong nhiều sự kiện, là thành viên phụ trách Ban Tài chính - Đối ngoại của dự án The Eyes Project năm 2022 (dự án kết nối người khiếm thị với cộng đồng)”.

Việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho người khiếm thị cũng được các cơ quan chức năng chú trọng triển khai. Các cấp Hội Người mù đang quản lý nhiều mô hình tạo việc làm, trong đó, nghề tẩm quất xoa bóp là nghề chính; làm tăm tre, chổi là nghề truyền thống; chăn nuôi, trồng trọt là nghề chủ đạo ở nông thôn. Đáng chú ý, bản thân người khiếm thị hoặc gia đình họ còn được ưu tiên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để tạo việc làm, mang đến cơ hội thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực.

Để người khiếm thị có cơ hội giao lưu, sinh hoạt, Hội Người mù các cấp được tạo điều kiện thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động. Đến nay, tổ chức hội được thành lập ở 57/63 tỉnh, thành phố; 423 quận, huyện, thị xã và gần 4.000 hội, chi hội cấp cơ sở, với tổng số hơn 74.000 hội viên. Sinh hoạt tại Hội Người mù quận Thanh Xuân, chị Phú Thị Hạnh cho biết: “Sự sẻ chia từ những người đồng cảnh giúp chúng tôi suy nghĩ tích cực, sống tự tin hơn”.

Tiếp tục đồng hành trên chặng đường hòa nhập

Những kết quả đạt được của cộng đồng người khiếm thị là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, con đường hòa nhập của họ còn không ít khó khăn.

Theo Hội Người mù Việt Nam, tại những cơ sở sản xuất, kinh doanh do các cấp hội quản lý, mức thu nhập bình quân của nghề thủ công mới đạt 2 triệu đồng/người/tháng và những người có tay nghề cao mới đạt mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/ tháng. Điều đáng quan tâm, số lượng lao động khiếm thị tham gia đào tạo nghề còn quá ít. Giai đoạn 2017-2022, các cấp Hội Người mù chỉ mở được 353 lớp dạy nghề cho 4.962 người.

Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Phạm Viết Thu cho biết, dù đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, song tỷ lệ hộ nghèo trong các hộ gia đình có thành viên là người khiếm thị vẫn còn hơn 10% (tỷ lệ hộ nghèo của cả nước khoảng 2%).

Tạo điều kiện cho người khiếm thị vững tin hơn trên chặng đường hòa nhập, ngoài những chương trình, hoạt động trợ giúp đã triển khai, các cơ quan chức năng và cộng đồng đang tiếp tục đồng hành với họ bằng nhiều giải pháp thiết thực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một doanh nghiệp hỗ trợ hơn 2 vạn cây gậy trắng cho người khiếm thị, giúp họ đi lại dễ dàng hơn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam và một số đơn vị liên quan đã xây dựng, hoàn thành và nộp văn kiện gia nhập Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị và những người khuyết tật khác được tiếp cận với các tác phẩm đã công bố cho Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO vào ngày 6-12 vừa qua. “Việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh là cơ hội cho cộng đồng người khiếm thị ở Việt Nam dễ dàng mở những cánh cửa để tiếp cận kho tàng tri thức”, cán bộ Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên hợp quốc Aiko Akiyama đánh giá.

Ngoài ra, Hội Người mù Việt Nam còn tăng cường hợp tác đào tạo chất lượng cao, mở rộng hợp tác quốc tế. Theo đó, mỗi năm, Trường Đại học quốc tế RMIT tuyển chọn và trao suất học bổng toàn phần trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng cho người khiếm thị tham gia học tại trường. Các tổ chức quốc tế dành cho người khiếm thị, như: Hiệp hội Massage Hàn Quốc, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản, Hội Người mù New Zealand, Hội Người mù Australia… tiếp tục hỗ trợ người khiếm thị ở nước ta trong đào tạo nghề massage nâng cao, in sách chữ nổi, làm sách nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rộng cửa hòa nhập cho người khiếm thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.