Theo dõi Báo Hànộimới trên

Robot - nền tảng quan trọng trong các ngành sản xuất

Thu Hằng| 02/10/2020 07:44

(HNM) - Robot mang lại nhiều tiện ích trong cuộc sống văn minh hiện đại, giúp thay thế cho lao động giản đơn của con người, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa, đặc biệt làm thay đổi phương thức sản xuất và tăng nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhà máy số 3 của Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) được đầu tư dây chuyền hiện đại, sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tự động hóa tại Việt Nam còn ở trình độ thấp

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất mạnh mẽ làm thay đổi thế giới. Cùng với đó là sự ra đời của Mạng lưới thiết bị kết nối internet (Internet of Things) đã tạo điều kiện thuận lợi cho công nghệ tự động hóa phát triển ngày một nhanh chóng và hiện đại.

Nếu robot của thế kỷ trước chỉ đơn thuần là người máy, tay máy thì ngày nay, với sự phát triển của cơ khí chính xác, trí tuệ nhân tạo, cảm biến… các robot đang trở nên tiên tiến hơn để có thể thực hiện các nhiệm vụ và tương tác với môi trường xung quanh mà không cần đến sự tương tác của con người. Hình ảnh của Sophia - cô robot đầu tiên trong lịch sử được Saudi Arabia cấp quyền công dân như con người là minh chứng rõ nét cho thành tựu vượt bậc của khoa học công nghệ, là sự liên kết giữa cái thực và cái ảo.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế và đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020, hướng đến năm 2025, Việt Nam đặt ưu tiên vào tầm quan trọng của robot công nghiệp và tự động hóa công nghệ cao. Tuy nhiên, dựa trên các tiêu chí về công nghệ và sản phẩm của các cuộc cách mạng công nghệ, Tiến sĩ Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam nhận xét, lĩnh vực tự động hóa tại Việt Nam đang ở trình độ thấp và mức độ rất hạn chế, các thiết bị tự động, dây chuyền sản xuất tự động và robot hầu hết đều nhập khẩu cho dù Việt Nam đã xác định tự động hóa là một trong bốn lĩnh vực công nghệ cao cần ưu tiên phát triển.

Một trong những nguyên nhân là Việt Nam vẫn đang là nước có thu nhập trung bình thấp, trình độ công nghệ của các ngành sản xuất còn lạc hậu, chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa đủ sức cạnh tranh với thế giới nên nhu cầu tự động hóa các dây chuyền sản xuất không bức bách. Một số doanh nghiệp khi đổi mới công nghệ buộc phải đầu tư cho tự động hóa thì nhập khẩu thiết bị và công nghệ nước ngoài, đáp ứng ngay nhu cầu trước mắt, không quan tâm đầu tư cho nghiên cứu hoặc ứng dụng sản phẩm trong nước. Thậm chí nhiều năm qua, Việt Nam vẫn khuyến khích những ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động như dệt may, da giày, nuôi trồng và chế biến thủy sản…

Mặt khác, để có robot, ngoài phần mềm điều khiển và kết nối, Việt Nam phải có 2 yếu tố: Ngành cơ khí chế tạo mạnh (từ thiết kế mô phỏng, thiết kế kỹ thuật đến gia công chế tạo chính xác, các công nghệ tự động sản xuất…) và ngành công nghiệp vật liệu phát triển, tự chủ được hàng trăm loại vật liệu cho ngành robot: Hợp kim, phi kim, quang học, polymer, bán dẫn điện tử, vô định hình… Việt Nam chưa có ngành công nghiệp tự động hóa nói chung và robot nói riêng. Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi đến nay, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu toàn bộ robot, kể cả robot công nghiệp và robot dịch vụ.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tự động hóa và chế tạo robot

Từ năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai Chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2025 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0” và đến nay đã có khoảng 30 nhiệm vụ đang được triển khai. Các nhiệm vụ này đều tập trung nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo, robot/cobot, chuỗi khối,..

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TƯ (năm 2019) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 17-4-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TƯ, trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung phát triển các công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng vào thực tiễn để phát triển các sản phẩm cụ thể, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của đất nước trong từng ngành và các công nghệ chiến lược có tác động lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực khác. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang trình Thủ tướng ban hành danh mục các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có danh mục robot.

Theo các chuyên gia, để có thể hội nhập và phát triển trong xu thế toàn cầu hóa, lĩnh vực tự động hóa Việt Nam cần có một cộng đồng rộng lớn các chuyên gia tâm huyết, có môi trường học tập, nghiên cứu lành mạnh và một chính sách vĩ mô hỗ trợ tri thức phát triển thích nghi được với quá trình “phẳng” hóa thế giới hiện nay. “Để khắc phục những thách thức trong lĩnh vực tự động hóa của Việt Nam thì cần đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm trong nước. Nhà nước cũng cần điều chỉnh các chính sách ưu đãi thuế, đất đai và tín dụng cho các doanh nghiệp robot, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm theo phương châm “doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên dùng công nghệ Việt Nam”. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cơ điện tử, nhất là các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế cần đi tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng tự động hóa và chế tạo robot, tận dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước và kết quả nghiên cứu của các viện, trường...”, Tiến sĩ Nguyễn Quân cho biết.

Hy vọng trong tương lai, Việt Nam sẽ sớm có một thế hệ robot thông minh, phục vụ cho con người và sản xuất hàng hóa, thay thế con người làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, thậm chí cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai, dịch họa…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Robot - nền tảng quan trọng trong các ngành sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.