Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rõ vai trò, hiệu quả

Thế Nguyên| 19/06/2018 07:10

(HNM) - Phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên cả nước nói chung, TP Hà Nội nói riêng không chỉ là công việc khó mà còn là đòi hỏi khách quan, phù hợp với quá trình phát triển.

Xuất phát từ đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27-2-2012, về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”. Những kết quả trong thời gian qua đã đóng góp vào thành tựu chung trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng của Thủ đô, khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết 09-NQ/TU.

Doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chiếm đại đa số (về số lượng đơn vị), giải quyết việc làm cho một lực lượng lao động đông đảo, đồng thời đóng góp tỷ trọng lớn cho nguồn thu ngân sách trên địa bàn thành phố. Những năm qua, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có sự gia tăng nhanh chóng. Cùng với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động có tính liên tục của thành phố, hiệu ứng tích cực sâu rộng từ các chủ trương của Đảng và Nhà nước mà mới đây là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dự báo đối tượng doanh nghiệp này tiếp tục có sự phát triển vượt bậc thời gian tới. Công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đứng trước những thuận lợi lớn song bên cạnh là khó khăn không nhỏ. Tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU cho thấy đây là điều không thể xem đơn giản.

Vấn đề đặt ra ở đây chính là phải có giải pháp để doanh nghiệp - với một trong những mục tiêu chính là lợi nhuận - thấy được vai trò của tổ chức Đảng đối với hoạt động, sự phát triển của đơn vị mình.

Thực tế đã là minh chứng sinh động cho điều này: Tổ chức Đảng, đảng viên tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã thành lập chi bộ, đảng bộ không chỉ là cầu nối, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhanh chóng đến với doanh nghiệp mà còn chủ động lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách đó. Vì vậy, giải pháp quan trọng đầu tiên là cấp ủy các cấp phải luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt trong việc tháo gỡ, góp phần đề ra cách làm hay để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, công tác phát triển đảng viên là quần chúng ưu tú ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt quần chúng là chủ doanh nghiệp cần được chú trọng, tạo cơ sở cho phát triển tổ chức Đảng ở doanh nghiệp khu vực này. Hàng trăm nghìn lao động ở các doanh nghiệp không chỉ là nguồn nhân lực lớn mà còn là nguồn phát triển Đảng dồi dào hiện tại và cho thời gian tới.

Thứ ba, các chủ doanh nghiệp cần có nhận thức, tầm nhìn rộng hơn tư duy quản trị doanh nghiệp thuần túy. Mỗi doanh nghiệp hoạt động không chỉ với mục tiêu lợi nhuận mà còn bảo đảm phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho an sinh xã hội, đồng hành cùng đất nước… Thành lập, phát triển tổ chức Đảng chính là để doanh nghiệp thực hiện thuận lợi hơn sứ mệnh này. Vì lẽ, tổ chức Đảng sẽ lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội nói riêng, người lao động ở đơn vị nói chung hoạt động tốt hơn, từ đó đóng góp có hiệu quả hơn cho doanh nghiệp.

Sinh hoạt chính trị, tham gia các tổ chức chính trị - xã hội còn là nhu cầu của đông đảo lao động, của không ít chủ doanh nghiệp. Việc tìm kiếm mô hình hoạt động cho tổ chức Đảng phù hợp đặc thù doanh nghiệp cũng là câu hỏi cần sớm được giải đáp. Và câu trả lời nằm ở chính thực tiễn hoạt động của mỗi đơn vị cùng với sự tham gia, hỗ trợ của cấp ủy các cấp.

Rõ vai trò, rõ hiệu quả, tổ chức Đảng, đội ngũ đảng viên khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước trên cả nước nói chung, trên địa bàn Hà Nội nói riêng sẽ có sự phát triển nhanh, mạnh hơn nữa. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rõ vai trò, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.