(HNM) - Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Nội đã tích cực đổi mới trong việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Nhờ đó, trách nhiệm người đứng đầu được nâng lên, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của người dân, đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào cuộc sống.
Hiệu quả rõ nét
Xã Văn Võ (huyện Chương Mỹ) từng nổi lên là một trong những địa chỉ phức tạp vì vi phạm đất đai, trật tự xây dựng. Trước thực tế này, Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ quyết định thay thế người đứng đầu địa phương. Theo đó, Bí thư Huyện đoàn Chu Văn Khang được điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Văn Võ.
“Từ khi thay thế Bí thư Đảng ủy, tình hình mọi mặt của xã dần tốt lên”, ông Nguyễn Văn Xuân, ở thôn Võ Lao (xã Văn Võ) cho biết. Thay đổi đó đem lại hiệu quả thiết thực là đưa Văn Võ trở thành xã nông thôn mới vào năm 2018.
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường cho biết: “Trước đây, Đảng ủy các xã theo định kỳ họp mỗi tháng một lần. Nhưng hiện nay, để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, đảng ủy các xã tổ chức họp ngay để giải quyết”.
Nhờ đổi mới theo hướng này, Chương Mỹ được thành phố tin tưởng lựa chọn thí điểm một số nội dung mới, gần nhất là một trong 5 quận, huyện thí điểm sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố.
Không chỉ ở Chương Mỹ, nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã gặt hái thành công nhờ chú trọng “đổi mới phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Là huyện nông thôn mới đầu tiên của thành phố, Đan Phượng rút ra bài học kinh nghiệm là phải bằng mọi cách phát huy được vai trò, trách nhiệm và ý thức gương mẫu của người đứng đầu, không để xảy ra tình trạng nhiệm vụ đặt ra nhưng không rõ ai chịu trách nhiệm.
Tại quận Nam Từ Liêm, đơn vị thuộc tốp đầu thành phố về cải cách hành chính, trách nhiệm người đứng đầu được ràng buộc chặt chẽ với trách nhiệm tập thể. Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Hải cho biết: “Muốn phát huy được nhiệt huyết, trách nhiệm và sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thể hiện trước”.
Siết chặt kỷ cương, tăng cường kỷ luật
Những chuyển biến ở cơ sở thời gian qua có phần tác động không nhỏ từ những đổi mới trong việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị ở cấp thành phố.
Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Tứ cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Thành ủy Hà Nội đã 3 lần sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc theo hướng vừa bảo đảm đúng quy định của Trung ương, vừa chặt chẽ, rõ trách nhiệm. Trong khối chính quyền, việc phân định trách nhiệm được thực hiện theo tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.
Tuy nhiên, việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị vẫn còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, không ít người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và tập thể Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện, cấp xã đã sai phạm nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật.
Trong đó phải kể đến vụ việc Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng vì trong thời gian là Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ (từ năm 2015 đến tháng 9-2016) đã có sai phạm nghiêm trọng trong công tác chỉ đạo, quản lý. Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì cũng bị kỷ luật vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc...
Mặc dù phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, nhưng nhiều người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị của thành phố vẫn chưa thực hiện tốt. Mới đây, Văn phòng UBND thành phố đã có công văn truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố phê bình Sở Tài nguyên và Môi trường vì lãnh đạo Sở không tham gia một số cuộc họp và không báo cáo lý do vắng mặt.
Trong khi, một số lĩnh vực “nóng” đòi hỏi người đứng đầu và tập thể lãnh đạo, quản lý các đơn vị, địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm để chỉ đạo khắc phục, nhưng chưa có nhiều chuyển biến như: Xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng; quản lý khai thác cát trên sông; cấp đất dịch vụ...
Ngay cả việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” cũng chưa đạt yêu cầu về tiến độ. Đến nay, toàn thành phố vẫn còn 72 vụ việc phức tạp có nguy cơ trở thành “điểm nóng” cần giải quyết, 58 tổ chức cơ sở Đảng cần được củng cố.
Những gì đang diễn ra cho thấy, cấp ủy Đảng các cấp thành phố cần tiếp tục đổi mới phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.