Các nhà khoa học tại Viện Khảo sát Nam Cực Anh (BAS) và ĐH Reading đã hồi sinh thành công thảm rêu bị đóng băng bên dưới Nam Cực sau 1.500 năm - theo LiveScience ngày 17-3.
Nhóm nghiên cứu đã làm tan chảy lớp băng vĩnh cửu bao bọc thảm thực vật cổ đại này tại phòng thí nghiệm. Họ đặt rêu vào trong một lồng ấp với nhiệt độ 17oC và ngạc nhiên khi thấy các chồi xanh xuất hiện nhanh chóng chỉ sau 3 tuần.
Một thảm rêu Signy ngoài khơi Nam Cực - Ảnh: AFP |
Theo BBC, những thảm rêu hình thành trong khoảng hàng ngàn năm như trên luôn là một đặc điểm kỳ lạ của vùng Nam Cực băng giá và 17oC là nhiệt độ mùa hè thích hợp để phát triển của rêu tại Nam Cực.
Những thảm rêu cổ xưa nhất có niên đại khoảng 5.000 năm luôn là một kho lưu trữ hữu ích cho các nhà khoa học dùng trong nghiên cứu điều kiện khí hậu và thời tiết trong quá khứ.
Trước đây các nhà nghiên cứu trên thế giới đã nổ lực hồi sinh cho những loài rêu bị đóng băng lâu năm nhưng họ chỉ mới thành công với những loài rêu đóng băng khoảng 20 năm.
Theo ABC, giới khoa học gia trên thế giới từng hồi sinh thành công một loài vi khuẩn cổ xưa sau hơn 250 triệu năm ngủ quên trong tinh thể muối.
Giáo sư Peter Convey, một trong những tác giả của nghiên cứu về rêu trên, nhìn nhận nếu có thể hồi sinh cho những thực vật cách đây 1.500 năm tuổi thì sẽ tồn tại khả năng thành công trên các loài thực vật ngủ suốt kỷ băng hà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.