Guardian ngày 24-10 dẫn công bố từ các chuyên gia Anh cho biết, cúm gia cầm đã đến Nam Cực, gây lo ngại cho các quần thể chim cánh cụt và hải cẩu bị cô lập chưa từng tiếp xúc với loại vi rút H5N1 trước đây.
Chưa rõ tác động đầy đủ từ sự xuất hiện của vi rút nhưng các nhà khoa học lo ngại có thể xảy ra đối với các quần thể động vật hoang dã mỏng manh trong khu vực.
Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) cho biết, loại vi rút này được tìm thấy trong quần thể loài chim ăn xác thối có tên là Skua nâu trên Đảo Chim, một phần lãnh thổ hải ngoại của Anh ở Nam Georgia và Quần đảo Nam Sandwich. Những con chim di cư này có lẽ đã mang vi rút từ Nam Mỹ, nơi cúm gia cầm lan rộng và đã giết chết khoảng 500.000 con chim biển và 20.000 con sư tử biển chỉ riêng ở Chile và Peru.
Đợt bùng phát hiện nay của biến thể H5N1 có khả năng lây nhiễm cao bắt đầu vào năm 2021 - ước tính đã giết chết hàng triệu chim hoang dã. Các nhà nghiên cứu từ lâu đã lo ngại về tác động tiềm ẩn của vi rút đối với động vật hoang dã ở Nam Cực.
Các nhà nghiên cứu từ BAS đã lấy mẫu từ những con chim khi họ phát hiện ra nhiều trường hợp tử vong không giải thích được và gửi chúng đi xét nghiệm ở Anh. Ashley Bennison, Giám đốc khoa học BAS cho biết: “Xác nhận đây là một sự kiện đặc biệt đáng buồn. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các loài trên đảo tốt nhất có thể và tiếp tục nghiên cứu khoa học, nhưng chúng tôi không chắc chắn về tác động đầy đủ vào lúc này”.
Đảo Chim được coi là một trong những địa điểm hoang dã phong phú nhất hành tinh, nơi sinh sống của nhiều loài chim có nguy cơ tuyệt chủng cũng như 50.000 cặp chim cánh cụt sinh sản và 65.000 cặp hải cẩu lông. Hòn đảo này nằm ngoài khơi mũi phía Tây Bắc của Nam Georgia, cách quần đảo Falkland khoảng 600 dặm về phía Đông Nam.
Một đánh giá rủi ro về tác động của cúm gia cầm đến lục địa, do Ủy ban Khoa học về nghiên cứu Nam Cực công bố, cho biết, hải cẩu lông, sư tử biển, chồn hôi và mòng biển có nguy cơ cao nhất, tiếp theo là chim cánh cụt, chim săn mồi, chim mỏ liềm và hải âu khổng lồ.
Tiến sĩ Meagan Dewar, Chủ tịch Mạng lưới y tế động vật hoang dã Nam Cực - tác giả chính của báo cáo cho biết, căn bệnh này có thể dẫn đến “tác động tàn khốc đến nhiều loài động vật hoang dã”. Báo cáo nêu rõ “các chương trình giám sát dịch bệnh đang diễn ra nên được thiết lập để xác định các mầm bệnh mới và đang nổi lên”.
H5N1 lây lan gần 4.000 dặm xuống Nam Mỹ trong vòng 3 tháng. Các nhà nghiên cứu cho biết, thực tế vi rút đã lan rộng xuống Nam Mỹ nên có khả năng sẽ đến Nam Georgia vào một thời điểm nào đó.
Do các kết quả xét nghiệm dương tính trên Đảo Chim nên hầu hết công việc thực địa liên quan đến xử lý động vật đã bị đình chỉ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.