(HNM) - Ngày 24-2 (Rằm tháng Giêng năm Quý Tỵ), thời tiết lý tưởng cho người dân lên chùa cầu an, cầu phúc, bởi thế phần lớn các đền, chùa đều đông đúc, nhộn nhịp, một số nơi lại tái diễn cảnh lộn xộn, quá tải.
Phủ Tây Hồ chật kín người đi lễ trong ngày Rằm tháng Giêng. Ảnh: Khánh Huyền |
Từ đêm 23-2 (14 tháng Giêng), hàng vạn người đã đổ về Tổ đình Phúc Khánh làm lễ cầu an khiến đoạn phố Tây Sơn (từ gầm cầu vượt Ngã Tư Sở đến ngã ba phố Thái Thịnh) tắc nghẽn vì người dân làm lễ bái vọng từ xa. Khóa lễ cầu an ở Tổ đình Phúc Khánh kéo dài khoảng hai tiếng và may mắn đã không có tai nạn nào xảy ra với người đi lễ. Từ sáng đến tối ngày 24-2 (Rằm tháng Giêng), Tổ đình Phúc Khánh không lúc nào ngớt khách thập phương tới dâng hương, lễ Phật. Chùa Quán Sứ, chùa Hà, chùa Trấn Quốc… cũng đông đúc không kém. Lượng sớ ở những ngôi chùa này trong ngày 14 và ngày rằm phải tính bằng yến, lò hóa sớ không lúc nào tắt lửa. Ở Phủ Tây Hồ, người đi lễ đông đến mức chỉ có những người đăng ký trước mới được làm lễ dâng sao, giải hạn. Mặc dù BQL di tích Phủ Tây Hồ quyết tâm thực hiện "7 không" (không ăn mày, ăn xin, nạn sư giả, hầu bóng…) nhưng phía bên ngoài Phủ vẫn có người ăn xin, người lôi kéo mời khách mua đồ lễ, đổi tiền lẻ… và tất nhiên dịch vụ trông giữ thừa dịp "chém đẹp" du khách với mức giá 10.000 - 20.000 đồng/xe máy. Ngày rằm, chùa Hương (Mỹ Đức) đón khoảng 35.000 lượt khách về lễ Phật, cầu an, nâng tổng số du khách về dự lễ hội chùa Hương xuân Quý Tỵ lên 350.000 lượt người, tăng hơn so với năm 2012. Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC lễ hội chùa Hương cho biết: Với sự thay đổi theo hướng tích cực trong công tác tổ chức, quản lý, nên giá cả các dịch vụ trong ngày 14 và 15 tháng Giêng không tăng so với những ngày trước đó. Phần lớn khách về Hương Sơn vãn cảnh, lễ chùa đều cảm thấy yên lòng.
Rằm tháng Giêng cũng là ngày hội làng La Khê, phường La Khê, quận Hà Đông nên dù xa trung tâm, khu di tích đình, chùa, bia Bà La Khê vẫn là điểm đến hấp dẫn. Hàng vạn lượt khách thập phương về bia Bà vui hội, làm lễ gây tắc đường cục bộ ở một số tuyến đường vào khu di tích. Dịch vụ gửi xe mọc lên ở khắp các nhà dân với mức giá cao gấp 2-3 lần giá quy định của Nhà nước. Tương tự, chùa Mía ở làng Việt cổ Đường Lâm (Sơn Tây), chùa Trầm, chùa Trăm Gian (Chương Mỹ), chùa Thầy (Quốc Oai), chùa Tây Phương (Thạch Thất)… cũng tấp nập khách thập phương đến lễ Phật từ sáng sớm.
Ngày Rằm tháng Giêng, hầu khắp các đình, đền, dù to hay nhỏ đều tổ chức khóa lễ, nhà nhà sắp mâm cơm, dâng hoa tươi, quả ngọt cúng tổ tiên, khiến giá cả một số loại hàng hóa, dịch vụ tăng đột biến. Ghi nhận tại một số chợ cho thấy, thanh long, xoài xanh có giá 50.000 đồng/kg, vú sữa 70.000 đồng/kg, cam Canh 80.000 đồng/kg, chuối tiêu 45.000-60.000 đồng/nải, hoa hồng có lộc 10.000-15.000 đồng/cành, thược dược 60.000-70.000 đồng/bó, tăng khoảng 20% so với ngày thường. Trước các đền, chùa, người cần tiền lẻ vào lễ có thể đổi với tỷ lệ 10/7 hoặc 10/8 (tức là 100.000 đồng tiền chẵn đổi được 70.000 đồng có mệnh giá 500 đồng hoặc 80.000 đồng mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng)…
Đi lễ đền, chùa đầu năm để bày tỏ, tâm thành cầu mong cho người thân, gia đình được mạnh khỏe, hạnh phúc, xã hội yên bình, bởi thế mà họ không kì kèo, mặc cả khi mua lễ, càng không mặc cả với người thực hiện lễ dâng sao, giải hạn về các khoản chi phí. Cũng vì vậy, những người làm "dịch vụ" mặc sức hét giá. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết những khóa lễ dâng sao, giải hạn ở nhiều đền, chùa lớn trong ngày rằm hầu hết dành cho "khách quen" và phải đặt trước nhiều ngày. Chi phí cho khóa lễ của mỗi gia đình lên đến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu, chục triệu đồng.
Đình, chùa là chốn linh thiêng, là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cộng đồng, do vậy, không nên mang những điều trần tục vào cửa thánh thần như thế. Về việc một bộ phận không nhỏ người đi lễ mang nặng tâm lý lấy vật chất làm thước đo lòng thành thông qua hành động rải tiền giọt dầu mọi chỗ, mọi nơi trong di tích, dâng đốt nhiều vàng mã, đồ mã, GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, đó là hành vi phản văn hóa, đã đến lúc cần phải thay đổi. "Vài năm trở lại đây, nhiều sư trụ trì tại các chùa đã thành công trong việc yêu cầu phật tử không đốt vàng mã. Vì thế nếu các cơ quan văn hóa tin tưởng giao cho người đứng đầu các đền, chùa, phủ một trách nhiệm nào đó thì chắc chắn nạn đốt vàng mã, đồ mã sẽ hạn chế được" - GS.Ngô Đức Thịnh khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.