Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ra mắt hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia

Lan Hương| 27/01/2015 18:23

(HNMO) – Ngày 27/01, hệ thống cơ sở dữ liệu (NBDS) chính thức ra mắt tại Hà Nội. Hệ thống này là sản phẩm hợp tác được phát triển bởi Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (BCA), Tổng cục Môi trường Việt Nam (VEA) và Bộ Tài nguyên Môi trường (MoNRE), thông qua “Dự án phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia”.

NBDS được thiết kế đáp ứng với các tiêu chuẩn quốc tế để lưu trữ dữ liệu đa dạng sinh học toàn quốc bao gồm cả các danh mục loài động thực vật theo các hệ thống phân loại. Việc phát triển NBDS giúp BCA thực hiện quản lý đa dạng sinh học hiệu quả thông qua việc thu thập các số liệu cần thiết để đánh giá, giám sát và báo cáo về tình trạng đa dạng sinh học. NBDS được trông đợi sẽ cung cấp nền tảng thông tin đa dạng sinh học cho những nhà kế hoạch, quan chức chính phủ, những nhà nghiên cứu cũng như công chúng.


Trong hơn 3 năm thực hiện, dự án hợp tác kỹ thuật đã đạt được nhiều kết quả như: Đề án Tổng thể Xây dựng và Phát triển NBDS, là một đề xuất chính thức cho Chính phủ về quy mô tổng thể của việc phát triển và khai thác NBDS; Lộ trình cho các thế hệ tương lai của NBDS; Liệt kê các hoạt động và kinh phí ưu tiên; Hướng dẫn chính thức về xây dựng các chỉ số giám sát đa dạng sinh học tại Việt Nam cả ở cấp quốc gia và địa phương; Kiến trúc hệ thống cho NBDS trong đó mô tả chi tiết về cấu trúc và thiết kế của NBDS. Hướng dẫn kỹ thuật về điều tra cơ bản và giám sát đất ngập nước ven biển dựa trên các điều tra đa dạng sinh học tai Vườn Quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. Bên cạnh đó là dự thảo thông tư về cơ chế hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan.

Tuy đã đạt được những thành tựu đáng kể như trên, theo JICA vẫn còn rất nhiều thách thức và công việc. Để đảm bảo việc sử dụng và phát triển hơn nữa NBDS, MoNRE cần nhanh chóng phê chuẩn Đề án Tổng thể để xác định các hoạt động và kinh phí cần thiết cho việc vận hành và nâng cấp chức năng của cơ sở dữ liệu. MoNRE khẳng định sẽ nhanh chóng hoàn thiện và thông qua đề án này trong một hai tháng tới. Một việc quan trọng không kém là việc ban hành thông tư về cơ chế hợp tác giữa các bên đang lưu trữ dữ liệu (dự kiến vào tháng ba 2015), để tạo điều kiện chia sẻ, trao đổi và khai thác thông tin về đa dạng sinh học.

Là một trong những quốc gia giàu đa dạng sinh học nhất thế giới, Việt Nam đã tham gia Công ước Đa dạng Sinh học. Để đáp ứng yêu cầu của Công ước, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Luật Đa dạng Sinh học năm 2008, tiếp theo đó là Chiến lược Đa dạng Sinh học Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (phê chuẩn năm 2013) và Kế hoạch Tổng thể Bảo tồn Đa dạng Sinh học (phê chuẩn năm 2014). Chính phủ Việt Nam đã thể hiện một cam kết mạnh mẽ đối với bảo tồn đa dạng sinh học cũng như phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ra mắt hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.