Chuyện đó đây

Di sản thế giới góp phần quan trọng bảo tồn đa dạng sinh học

Thương Nguyệt 01/09/2023 - 11:55

Các di sản thế giới do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là nơi sinh sống của 20% tổng số loài được biết đến và đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học.

Ngày 1-9, theo Tân Hoa xã, tuyên bố chung của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và UNESCO nêu rõ, hơn 75.000 loài thực vật cùng hơn 30.000 loài động vật có vú, chim, cá, bò sát và lưỡng cư cư trú tại các di sản thế giới được hưởng mức độ bảo vệ quốc tế cao nhất theo Công ước Di sản thế giới (WHC).

Báo cáo đánh giá, các di sản thế giới ước tính bảo vệ hơn 20.000 loài bị đe dọa, bao gồm 1/3 tổng số voi, hổ và gấu trúc, cũng như ít nhất 1/10 loài vượn lớn, sư tử và tê giác. Các địa điểm này cũng đã trở thành tuyến phòng thủ cuối cùng đối với một số loài đang trên bờ vực tuyệt chủng.

IUCN và UNESCO khuyến khích mọi quốc gia thành viên ưu tiên các di sản thế giới trong những chiến lược và kế hoạch hành động về đa dạng sinh học. Các chiến lược và kế hoạch này được đánh giá là chìa khóa để triển khai Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF) đã được các bên tham gia WHC thông qua vào tháng 12-2022 tại Canada.

tegiac1sung.png
Cá thể tê giác một sừng tại Công viên Quốc gia Kaziranga ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters

WHC cho phép phối hợp thực hiện các sáng kiến bảo vệ giữa tất cả các bên liên quan, từ người dân địa phương, chính quyền quốc gia và khu vực, cho đến các tổ chức quốc tế… Nhờ đó đã dẫn đến nhiều thành công trong nỗ lực bảo tồn, điển hình như các hoạt động được thực hiện ở Công viên Quốc gia Kaziranga (Ấn Độ) và Công viên Quốc gia Chitwan (Nepal). Kể từ khi được công nhận là di sản thế giới vào giữa những năm 1980, số tê giác một sừng tại hai công viên này đã tăng lên khoảng 4.000 cá thể.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết, 1.157 di sản thế giới không chỉ nổi bật về mặt lịch sử và văn hóa, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn sự tính đa dạng của sự sống trên Trái đất, duy trì các hoạt động sinh thái thiết yếu và giải quyết những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.

Theo UNESCO, đa dạng sinh học mang lại những lợi ích to lớn và tạo thành nền tảng cho mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Sự đa dạng của hệ sinh thái tại các di sản thế giới hỗ trợ duy trì các hoạt động môi trường quan trọng đối với con người như bảo vệ tài nguyên nước, cung cấp việc làm và thu nhập thông qua các hoạt động bền vững.

Các di sản thế giới do UNESCO công nhận cũng là công cụ để tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa thiên nhiên và văn hóa do nhiều địa điểm văn hóa, bao gồm cả những địa điểm ở khu vực thành thị, cũng có thể bảo vệ đa dạng sinh học và là “đồng minh” trong những nỗ lực ngăn chặn sự tàn phá thiên nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản thế giới góp phần quan trọng bảo tồn đa dạng sinh học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.