(HNM) - Tại Hội nghị đánh giá công tác an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2016, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 và kết quả thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, xã, phường diễn ra chiều 19-1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thành phố Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, chống thực phẩm “bẩn” thực sự là cuộc chiến lâu dài, bền bỉ.
Bên cạnh tăng cường công tác thanh tra tại cơ sở, năm 2016, TP Hà Nội đã đưa xe chuyên dụng kiểm tra chất lượng ATTP lưu động để tạo thay đổi rõ nét trong lĩnh vực này. |
Thời gian tới, lãnh đạo thành phố cùng chính quyền địa phương sẽ có cách làm sáng tạo hơn, quyết tâm tạo những bước chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm ATTP.
Chuyển động rõ nét
Với đặc điểm là một thành phố đông dân cư, có mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ và hệ thống cửa hàng buôn bán, kinh doanh thực phẩm rộng khắp nên việc kiểm soát và bảo đảm ATTP trên địa bàn Hà Nội gặp không ít khó khăn. Thực hiện Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp cơ sở, Hà Nội chính thức áp dụng việc thí điểm tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường, thị trấn từ đầu năm 2016. Theo báo cáo của Sở Y tế, sau một năm triển khai, các đơn vị được thí điểm đã thành lập 65 đoàn kiểm tra, thanh tra và tiến hành thanh, kiểm tra hơn 3.500 cơ sở, trong đó xử lý vi phạm 786 cơ sở, phạt tiền 371 cơ sở với tổng số tiền hơn 1,16 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định, không có giấy khám sức khỏe định kỳ, nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, không bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất, chế biến…
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Chung, việc thí điểm đã tăng hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP của UBND quận, huyện, xã, phường. Nhờ đó, giúp cho chính quyền ở cơ sở có thêm công cụ mạnh và lực lượng chuyên ngành để quản lý ATTP. Thêm vào đó, lãnh đạo chính quyền thực sự quan tâm và thấy được trách nhiệm của mình cũng như nắm được tình hình thực trạng ATTP trên địa bàn. Kết quả xử lý vi phạm hành chính trong thanh tra chuyên ngành ATTP cao hơn so với kiểm tra ATTP thông thường thể hiện tính răn đe, sự nghiêm khắc trong quá trình thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm. Hầu hết các quận, huyện đều đánh giá hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP có hiệu quả tại tuyến quận, huyện và cần phải duy trì, mở rộng. Tuy nhiên, đối với tuyến xã, phường, đặc biệt là xã cần tiếp tục thí điểm thêm.
Ông Nguyễn Văn Chung cho biết thêm, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại nhiều chợ tạm, chợ cóc… gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành ATTP và xử lý vi phạm hành chính. Mặt khác, tâm lý “làng xóm, họ hàng” làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm. Cán bộ, công chức tại tuyến xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ thanh tra vẫn phải đảm nhận nhiều việc cùng lúc, nên việc tổ chức các cuộc thanh tra chuyên ngành ATTP sẽ khó khăn khi diễn ra thường xuyên. “Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả, thịt tại các chợ cóc, thức ăn đường phố còn gặp nhiều khó khăn. Qua kiểm tra một số nơi, chính quyền sở tại chưa thực sự vào cuộc, thậm chí chưa có sự kiểm tra đi, kiểm tra lại các cơ sở kinh doanh từng bị xử phạt” - ông Nguyễn Văn Chung cho hay.
Cần cách làm sáng tạo hơn
Kiểm tra chất lượng ATTP tại huyện Mỹ Đức. |
Đánh giá công tác thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho rằng, kết quả bước đầu cho thấy, Hà Nội đã quyết liệt trong công tác thanh tra, khiến cho thị trường thực phẩm an toàn hơn. Thành phố cũng đã tăng mức kinh phí cho chương trình bảo đảm ATTP từ 5.000 đồng/người/năm, lên 8.000 đồng/người/năm. Thậm chí, lãnh đạo thành phố đã giao trách nhiệm cụ thể cho Phó Chủ tịch UBND quận/huyện phụ trách công tác ATTP trực tiếp kiểm tra ATTP ít nhất 2 tuần/lần; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra 1 lần/tuần; Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra 2 lần/tuần…
Rõ ràng, đây là cố gắng rất lớn, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố đối với lĩnh vực ATTP. “Trên thực tế, nơi nào có sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu địa phương thì nơi đó ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm ATTP. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cho phép nhân rộng mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, huyện, phường, xã trên toàn địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh” - PGS.TS Nguyễn Thanh Phong chia sẻ.
Biểu dương và trao Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho 6 tập thể và 24 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm ATTP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, công tác ATTP luôn là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày và gây bức xúc trong dư luận. Lãnh đạo UBND xã, phường cần phải vào cuộc một cách tích cực, bởi vì một số nơi còn có sự buông lỏng. Chỉ cần chùng xuống là công tác quản lý ATTP sẽ trở nên yếu kém ngay lập tức.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, thời gian tới, lãnh đạo thành phố cùng chính quyền các địa phương sẽ tiếp tục có những cách làm sáng tạo hơn, các cơ quan quản lý sẽ phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác quản lý ATTP. Các cơ quan truyền thông đại chúng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng hơn về vấn đề này. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục dưới nhiều hình thức và mọi thời điểm, không kể sáng tối, ngày đêm. Cán bộ xã, phường, thị trấn phải siết chặt quản lý, sát sao hơn công tác kiểm tra ATTP trên địa bàn.
Theo báo cáo nhanh công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Đinh Dậu và lễ hội năm 2017 của Ban chỉ đạo VSATTP TP Hà Nội, tính đến ngày 18-1, tổng số đoàn thanh, kiểm tra là 671 đoàn, trong đó tuyến thành phố có 26 đoàn; 61 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến quận, huyện, thị xã; 584 đoàn tuyến xã/phường/thị trấn. Các đoàn đã tiến hành kiểm tra được hơn 6.700 cơ sở, trong đó gần 1.900 cơ sở vi phạm và tiến hành xử phạt 1.322 cơ sở với số tiền phạt hơn 5,4 tỷ đồng. Năm 2017, Hà Nội phấn đấu nâng cao năng lực quản lý bảo đảm chất lượng ATTP, nâng cao năng lực hệ thống kiểm nghiệm; khống chế ngộ độc thực phẩm dưới 6 ca/100.000 dân, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.