Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt xử lý vấn nạn phân bón giả

Thanh Tàu - Thanh Minh| 11/04/2022 06:37

(HNM) - Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường gây thiệt hại cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân. Để xử lý vấn nạn này, từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan chức năng ở các tỉnh, thành phố phía Nam đã vào cuộc quyết liệt và liên tiếp triệt phá nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả...

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang kiểm tra một hộ kinh doanh phân bón.

Nỗi lo phân bón giả

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, vùng trồng cây ăn quả lớn nhất của cả nước nên lượng phân bón tiêu thụ rất lớn, lên đến vài trăm nghìn tấn mỗi vụ, trở thành thị trường “màu mỡ” của các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các đối tượng xấu lợi dụng sản xuất, kinh doanh phân bón giả.

Ông Lư Quang Phú, ở xã Lộc Hòa (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, gia đình ông có 10 công ruộng, mỗi năm canh tác 3 vụ lúa nên thường xuyên phải sử dụng đến phân bón. “Tôi nhìn bao bì thì loại phân bón nào cũng giống nhau, còn chất lượng bên trong ra sao thì người nông dân như tôi không thể nhận biết bằng mắt thường được. Dùng phân bón ruộng, đến 2-3 tháng sau thấy không hiệu quả gì, mới biết mình đã dùng phải phân bón giả”, ông Phú chia sẻ. Còn ông Lê Văn Hùng, ở xã An Hữu (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Canh tác nhà vườn khó hơn trồng lúa. Hơn nữa, với những loại cây ăn trái lâu năm, nếu dùng phải phân bón giả thì phải sau vài năm, chất lượng cây trái mới phục hồi được như cũ, thiệt hại rất lớn”.

Lo ngại của những người nông dân như ông Phú, ông Hùng là có cơ sở. Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, đơn vị đã chuyển 2 vụ kinh doanh phân bón giả sang Công an tỉnh An Giang để xử lý theo quy định. Trong đó, lô phân bón gồm 150 bao (50kg/bao) NPK 16-16-8 TE của một doanh nghiệp (có địa chỉ tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An) bị phát hiện là hàng giả. Một lô với 281 bao phân bón giả khác, gồm 167 bao phân bón NPK 16-16-8 TE và 114 bao phân bón kali silic 61% tại một cơ sở ở huyện Tịnh Biên, cũng do một doanh nghiệp khác có trụ sở tại tỉnh Long An sản xuất.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, quý I-2022, các cơ quan chức năng bắt giữ 10 vụ phân bón không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, ngày 4-3 vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Trọng Dần (sinh năm 1974, ngụ tỉnh Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Châu Rhino), Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1989) và Trần Văn Học (sinh năm 1982), cùng ở thành phố Hồ Chí Minh về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp với Bộ Công an kiểm tra nhà xưởng sản xuất của Công ty TNHH Thương mại Châu Rhino, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, phát hiện 8,5 tấn thành phẩm phân bón 111 HLS Super Lân canxi, 28,5 tấn phân bón hữu cơ trùn quế, khoảng 5 tấn phân hạt đen chưa đóng bao bì, 25m3 nguyên liệu, bột màu dùng để sản xuất phân, 100m3 đá nguyên liệu và 31.700 vỏ bao bì phân bón các loại. Kết quả điều tra ban đầu xác định, Dần, Tuấn, Học đã cùng nhau góp vốn vào Công ty TNHH Thương mại Châu Rhino, thuê đất làm xưởng sản xuất phân bón giả bán ra thị trường kiếm lời.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, toàn tỉnh có 18 cơ sở sản xuất phân bón và hàng nghìn cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhãn hiệu và sản phẩm rất là đa dạng, phức tạp. Riêng quý I-2022, lực lượng chức năng bắt giữ hơn 15 vụ buôn bán phân bón giả.

“Người nông dân khi mua vật tư nông nghiệp nên yêu cầu xuất hóa đơn. Bởi vì những hóa đơn này sẽ chứng minh được cửa hàng đó bán sản phẩm có vi phạm hay không và đồng thời khi có tranh chấp, khiếu kiện thì các cơ quan pháp lý cũng như Hội Bảo vệ người tiêu dùng mới có đủ điều kiện giúp cho người nông dân đòi lại được quyền lợi của mình… Trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm những vi phạm trong lĩnh vực này”, ông Trương Kiến Thọ nói.

Về phía doanh nghiệp, Giám đốc marketing Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền Phan Văn Tâm cho biết, tháng 3-2022, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã công bố 92 doanh nghiệp và hộ kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực phân bón, gồm: 44 doanh nghiệp nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng; 9 doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng; phát hiện 6 cơ sở buôn bán phân bón không bảo đảm chất lượng... Các doanh nghiệp làm ăn chân chính rất mong cơ quan chức năng thường xuyên giám sát thị trường phân bón để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Còn Tiến sĩ Phùng Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, hiệp hội tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện phân bón giả. Người dân nên tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Đặc biệt, không sử dụng hàng hóa trôi nổi để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt xử lý vấn nạn phân bón giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.