(HNM) - Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương coi việc giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2022, cần quyết liệt tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này. Tuy nhiên, kết thúc quý I-2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn cả nước vẫn chỉ đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong khi đó, tính đến hết quý I, tổng số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã giao chi tiết cho các dự án đạt tới 90% kế hoạch.
Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch giao, đặc biệt tính đến hết tháng 3-2022, vẫn còn tới 29 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn đã và đang ảnh hưởng rất lớn tới quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng.
Nguyên nhân của thực trạng trên, một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến một số dự án phải dừng thi công hoặc thi công cầm chừng do thiếu nhân lực; giá nguyên, vật liệu tăng cao cũng làm cho nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ. Mặt khác, một số dự án còn gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện ở một số bộ, ngành, địa phương thiếu quyết liệt; năng lực của một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu hạn chế…
Tiếp tục thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đã được Thủ tướng Chính phủ giao, phấn đấu đạt được tỷ lệ cao nhất trong năm 2022 là nhiệm vụ cấp bách mà các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt triển khai nhằm thúc đẩy hơn nữa quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, ngay từ bây giờ các bộ, ngành, địa phương phải sát sao vào cuộc, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, tích cực nắm bắt tiến độ triển khai dự án, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Cụ thể, với những dự án bị vướng giải phóng mặt bằng, các cơ quan hữu quan cần chủ động phối hợp với chính quyền sở tại tháo gỡ từng “nút thắt”, bảo đảm đúng quy định, hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Nếu tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cố tình không chấp hành chủ trương thu hồi đất, cần có biện pháp cứng rắn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Đối với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp cần đánh giá cụ thể nguyên nhân do đâu, từ đó rút kinh nghiệm nghiêm túc, đồng thời triển khai giải pháp khắc phục dứt điểm tồn tại. Định kỳ hằng tháng, các đơn vị tổ chức giao ban để kiểm điểm tiến độ, có biện pháp giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh, đốc thúc nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ.
Song song đó, để công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt hiệu quả cao nhất, các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức nghiệm thu, kịp thời thanh toán khối lượng hoàn thành của các công đoạn. Đặc biệt, đối với những nhà thầu thiếu năng lực, hạn chế về kinh nghiệm thi công, cũng cần kiên quyết loại bỏ, chuyển công việc sang cho những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tốt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Về phía các nhà thầu, với trách nhiệm của mình cần tập trung nhân lực, huy động đầy đủ trang thiết bị, máy móc để tổ chức thi công dự án bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng công trình.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công những tháng còn lại của năm 2022, mỗi cấp, ngành từ trung ương đến cơ sở, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải nghiêm túc quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc nhằm đạt kết quả cao nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.