Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt giải pháp thu ngân sách

Gia Khánh| 30/10/2022 06:13

(HNM) - Theo Bộ Tài chính, kết quả thu ngân sách từ đầu năm 2022 đến nay rất tích cực. Số thu ngân sách sau 9 tháng bằng 94% dự toán năm. Thu ngân sách cả năm 2022 ước vượt khoảng 202.400 tỷ đồng, tương đương hơn 14% so với dự toán. Đây là kết quả đáng mừng, cho thấy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh giúp số thu ngân sách tăng. Mặt khác, việc tăng thu giúp ngân sách bảo đảm cân đối, có đủ nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển.

Tuy nhiên, việc bảo đảm thu ngân sách từ giờ đến cuối năm và thời gian tiếp theo cũng gặp không ít khó khăn, bởi những tác động bất lợi của nền kinh tế.

Trên thế giới, xung đột địa chính trị, lạm phát khiến thị trường bị thu hẹp, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá cả nguyên, nhiên liệu tăng cao… Trong nước, chính sách tiền tệ thắt chặt để giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng xã hội khó giữ đà tăng trưởng như nửa đầu năm. Thực tế, số thu từ một số ngành, lĩnh vực giảm dần từ tháng 7. Nếu mức thu bình quân 7 tháng năm 2022 đạt hơn 11% dự toán/tháng thì sang tháng 8 chỉ đạt 9,2% và tháng 9 là 6,7%. Thu nội địa (không gồm tiền sử dụng đất) bình quân 5 tháng đầu năm 2022 đạt 11% dự toán/tháng, khoảng 114.000 tỷ đồng, nhưng từ tháng 6 đến nay mức này dưới 6%. Hai khoản thu đóng góp nhiều cho ngân sách là dầu thô và xuất, nhập khẩu cũng đang có dấu hiệu chững lại. Số thu thuế xuất, nhập khẩu quý III giảm 7,8% so với quý I và 13,5% so với quý II. Bên cạnh đó, nợ thuế có xu hướng tăng, tính đến cuối tháng 9 có khoảng 126.500 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải quyết liệt triển khai các giải pháp thu ngân sách để bảo đảm đạt mức thu cao nhất. Trước hết, giải pháp quan trọng là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, để duy trì đà phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thực tế, các ngành làm nhiệm vụ thu ngân sách liên tục đồng hành, đối thoại, tiếp thu kiến nghị, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thông qua cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận cơ hội; triển khai kịp thời các gói tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh khó khăn, những giải pháp trên càng cần đẩy mạnh và thực thi hiệu quả.

Cùng với đó, việc tăng cường quản lý và xử lý nợ đọng thuế và các khoản phải thu nộp ngân sách cần thực hiện triệt để. Cơ quan chức năng cần nắm chắc tình hình, dự báo lĩnh vực có dư địa tăng thu để đôn đốc và tham mưu cấp thẩm quyền biện pháp huy động vào ngân sách. Đối với các cá nhân, tổ chức nợ đọng thuế và các khoản nộp ngân sách, cơ quan chức năng cần phân loại, nếu vì khó khăn thì hỗ trợ tháo gỡ, nếu có dòng tiền mà cố tình không nộp thì áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn, tài khoản, kết hợp công khai danh sách cá nhân, tổ chức nợ ngân sách lớn.

Để làm được điều này, từng công việc đều phải xác định mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể gắn với trách nhiệm của người thực thi. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, địa phương cũng cần tiếp tục được phát huy, một mặt bảo đảm các giải pháp thu ngân sách được thực thi đồng bộ, hiệu quả; mặt khác giúp các cấp, ngành tăng cường quản lý, bảo đảm mọi hoạt động tuân thủ quy định pháp luật, chống thất thu ngân sách, phát sinh nợ đọng… Tất cả hướng tới mục tiêu thu ngân sách ở mức cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt giải pháp thu ngân sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.