Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt để hiệu quả bền vững

Thu Trang| 20/08/2020 06:16

(HNM) - Sau khi thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường (năm 2016), tháng 7-2019, Hà Nội mở rộng lực lượng này tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Sau một năm triển khai cho thấy, việc mở rộng lực lượng thanh tra trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, là rất cần thiết. Để mô hình này đạt hiệu quả bền vững thì cần tăng cường thanh tra, xử phạt nghiêm vi phạm và chuẩn hóa chuyên môn cho cán bộ thanh tra.

Lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch Covid-19 tại quán phở Lý Quốc Sư trên phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu), ngày 18-8.

Tăng cường thanh tra, xử phạt nghiêm

Ngày 18-8 vừa qua, Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) phối hợp với lực lượng chức năng quận Cầu Giấy tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu).

Tại cửa hàng trà sữa Ding Tea (số 54 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu), ngay phía ngoài cửa, cơ sở đã bố trí dung dịch nước rửa tay sát khuẩn cho khách và sắp xếp chỗ ngồi bảo đảm khoảng cách giữa mỗi khách là 1m. Ông Vũ Văn Hùng, chủ cửa hàng trà sữa Ding Tea cho biết: “Ngoài các điều kiện về an toàn thực phẩm, lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của quận Cầu Giấy còn thường xuyên thanh tra, hướng dẫn việc phòng, chống dịch Covid-19 tại cửa hàng”.

Là nơi tập trung hơn 4.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm, theo Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy Nguyễn Đức Viên, nhờ sự vào cuộc của lực lượng thanh tra chuyên ngành, các nhà hàng, quán ăn đã nghiêm túc hơn trong việc thực hiện các quy định an toàn thực phẩm. Đặc biệt, từ 0h ngày 19-8 thực hiện Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 18-8-2020 của UBND thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, quán ăn đã được hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, như: Bố trí vách chắn giọt bắn, sắp xếp chỗ ngồi bảo đảm giãn cách cho khách...

Tương tự, tại quận Long Biên, từ khi thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, tình trạng vi phạm giảm về cả số lượng và mức độ so với trước. Trưởng phòng Y tế quận Lương Thị Minh Nguyệt thông tin, tỷ lệ cơ sở vi phạm khi thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm là 9,5% (trước khi triển khai là 11,8%). Còn số cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính là 302/372 cơ sở vi phạm (chiếm 81,2%), tăng gần 30% so với trước.

Đánh giá về kết quả đạt được trong công tác này, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt cho biết, sau một năm thí điểm, lực lượng thanh tra chuyên ngành cấp quận thanh tra được 97 cơ sở, xử phạt 74 cơ sở, tổng số tiền phạt 264 triệu đồng, còn lực lượng thanh tra chuyên ngành cấp phường thanh tra 223 cơ sở, xử phạt 58 cơ sở, số tiền phạt hơn 41 triệu đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại một số địa phương vẫn còn những tồn tại, nhất là ở các xã, phường, thị trấn. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Gia Thụy (quận Long Biên) Lương Thành Trung, cán bộ phụ trách lĩnh vực thanh tra cấp phường còn kiêm nhiệm, nên hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Vì thế, trong quá trình thanh tra gặp nhiều khó khăn, thậm chí thiếu quyết liệt khi xử lý vi phạm.

Còn Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt cho biết: “Cán bộ tại phường thường xuyên luân chuyển, trong khi cán bộ mới chưa được đào tạo, cấp chứng chỉ và chưa có kinh nghiệm thực tiễn, nên khi triển khai các bước thanh tra, xử lý vi phạm còn lúng túng…”.

Lực lượng chức năng kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch Covid-19 tại cửa hàng trà sữa Ding Tea (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy), ngày 18-8. Ảnh: Trang Thu

“Cầm tay chỉ việc” cho lực lượng thanh tra 

Đánh giá sau một năm thành phố mở rộng mô hình này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra đã được tập trung có trọng tâm, trọng điểm và đột xuất vào các ngành, nhóm sản phẩm, khâu có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực của các cơ sở. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao tiêu chí an toàn thực phẩm. Do đó, các địa phương cần tăng cường công tác này trong thời gian tới để giữ vững những kết quả đã đạt được.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) Nguyễn Quốc Tuấn, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND thành phố đã có chỉ đạo đối với các cửa hàng kinh doanh ăn uống tuân thủ các điều kiện về an toàn thực phẩm và biện pháp phòng dịch. Do đó, bên cạnh ý thức tự giác của người kinh doanh, cần sự vào cuộc tích cực của lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

Để tiếp tục triển khai tốt mô hình thanh tra chuyên ngành, theo ông Trần Văn Chung, cán bộ thanh tra ở các cấp, nhất là tuyến xã, phường, thị trấn cần tiếp tục được nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn. Bởi, các văn bản pháp quy liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm nhiều, quy trình thanh tra phức tạp, đòi hỏi cán bộ thanh tra phải có kinh nghiệm và vững kiến thức mới có thể áp dụng đúng. Sở Y tế Hà Nội và Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội sẽ hỗ trợ các địa phương tổ chức các lớp đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thanh tra.

Bên cạnh đó, các cán bộ thanh tra cấp quận, huyện, thị xã sau khi được cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành, cần “cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới triển khai mô hình này hiệu quả hơn. Có như vậy, mô hình trên mới thực sự phát huy hiệu quả lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt để hiệu quả bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.