An toàn thực phẩm

Huyện Ba Vì tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm

Ngọc Quỳnh 19/05/2024 11:15

Để kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm trên thị trường, huyện huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia giám sát cộng đồng, phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm để xử lý kịp thời.

sua-ba-vi.jpg
Sản phẩm sữa của Công ty cổ phần Sữa Ba Vì bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: Hương Giang

Kiểm soát từ sản xuất tới bàn ăn

Thực hiện Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2024, huyện Ba Vì đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng từ nguồn gốc tới sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố.

Ông Lê Hoàng Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Ba Vì cho biết, hiện nay, sản phẩm của công ty được sản xuất và quản lý đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; toàn bộ hệ thống vận hành được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001-2005.

Công ty có hệ thống máy móc hiện đại, được áp dụng quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm theo công nghệ của các nước châu Âu như: Thụy Điển, Đan Mạch, Italia... cùng hệ thống thiết bị phụ trợ tiên tiến của Mỹ, Nhật. Tất cả các khâu sản xuất đều bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm với hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn từ chọn lọc kiểm tra nguyên liệu đầu vào cho đến khi vận chuyển tới nhà phân phối sản phẩm.

day-chuyen-san-xuat-sua-ba-vi.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện kiểm tra chất lượng sữa tại Công ty cổ phần Sữa Ba Vì. Ảnh: Hương Giang

Đối với vấn đề kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm trên thị trường, huyện đã huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia giám sát cộng đồng, phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm để xử lý kịp thời.

Trưởng phòng Y tế huyện Ba Vì Hoàng Xuân Trường cho biết, triển khai Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2024, huyện đã kiểm tra, giám sát 106 cơ sở, trong đó có 3 cơ sở vi phạm, xử phạt tiền 15 triệu đồng; việc bảo đảm an toàn thực phẩm không chỉ trong Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm mà xuyên suốt trong nhiều năm qua.

che-ba-vi.jpg
Huyện Ba Vì tập trung xây dựng vùng sản xuất an toàn, bảo đảm chất lượng. Ảnh: Hương Giang

Bên cạnh đó, công tác quản lý an toàn thực phẩm còn được triển khai giám sát đến từng cơ sở, địa bàn, chẳng hạn như: Xã Tản Lĩnh có 52 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đã được kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; tuyên truyền nâng cao nhận thức về sản xuất an toàn, sơ chế, chế biến tiêu thụ sản phẩm, chấp hành quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, đối với các dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, người dân cần lấy sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng… Nhờ đó, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện Ba Vì không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện còn một số khó khăn: Số lượng cơ sở thực phẩm trên địa bàn lớn, trong đó đa số là nhỏ lẻ, phân tán, hoạt động ngoài giờ; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh theo mùa vụ nên khó khăn trong công tác quản lý.

Việc kiểm tra, giám sát trong sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa được thường xuyên liên tục, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn phần lớn còn nhỏ lẻ, hạn chế đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến nên khó kiểm soát.

Nông sản thực phẩm chủ yếu được tiêu thụ qua phương thức truyền thống thông qua chợ dân sinh, thói quen tiêu dùng chưa quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác sản phẩm nên chưa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và công tác quản lý gặp khó khăn.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm ở xã, thị trấn còn gặp nhiều hạn chế do nhân sự phụ trách công tác an toàn thực phẩm chủ yếu là kiêm nhiệm, nên hiệu quả chưa cao; không có cán bộ chuyên trách, kiến thức chuyên môn cao về an toàn thực phẩm trong chức danh công chức xã, thị trấn.

mam-non-phu-cuong.png
Đoàn kiểm tra của Trung tâm Y tế huyện Ba Vì kiểm tra bếp ăn tập thể tại Trường mầm non Phú Cường. Ảnh: Hương Giang

Để công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đi vào nền nếp, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Việc tuyên truyền triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua hệ thống truyền thanh, fanpage… tập trung vào các hộ kinh doanh thực phẩm, các đám cỗ trên địa bàn.

"Đặc biệt, đối với các xe di chuyển bán hàng tại cổng trường, cũng được tuyên truyền và giám sát thường xuyên. Huyện yêu cầu hệ thống trường học làm tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là các trường mầm non, tiểu học có bếp ăn bán trú; tập trung kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm, có sổ ghi chép hằng ngày; thực phẩm phải lấy tại các cơ sở được cấp phép, được cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm soát về an toàn thực phẩm”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các xã thị trấn cần tổ chức tọa đàm, đối thoại trực tiếp trên các phương tiện tuyên truyền, số hóa về an toàn thực phẩm, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm để nâng cao hiệu quả thực thi, đưa nội dung của văn bản quy phạm pháp luật vào cuộc sống...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Ba Vì tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.