(HNM) - Tháng 7-2018, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực khi tăng trưởng đồng đều cả 3 khu vực, trong đó kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất công nghiệp và khu vực dịch vụ có xu hướng tăng cao.
Nhìn vào số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê có thể thấy, nhiều lĩnh vực tiếp tục lập những kỷ lục mới về tăng trưởng như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế, kim ngạch xuất khẩu…
Có được kết quả trên trước hết là nhờ sự điều hành hiệu quả của Chính phủ trên tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”; là nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp; nhất là trong việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 cũng như các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Đáng chú ý, trong công tác điều hành, Chính phủ và các bộ, ngành đã chủ động thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước để có ứng phó kịp thời, tránh những tác động tiêu cực không đáng có đối với nền kinh tế nước ta.
Thế nhưng, để nền kinh tế nước ta “về đích” mục tiêu tăng trưởng 6,7% và kiềm chế lạm phát ở mức 4% như đã đề ra thì vẫn còn nhiều việc phải làm, không ít khó khăn thách thức cần vượt qua.
Một loạt thách thức có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế của nước ta như sức ép về lạm phát vẫn hiện hữu do giá dầu thô tiếp tục tăng cao kéo theo giá cả hàng hóa cơ bản thế giới tăng; thị trường ngoại hối và tỷ giá ngoại tệ diễn biến khó lường do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Trong khi đó, nền kinh tế trong nước cũng gặp không ít khó khăn do diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa lũ…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng cảnh báo về sức ỳ của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn trong bộ máy công quyền. Một ví dụ cho thấy, mặc dù Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, nhưng đến hết quý II-2018 mới có 900/5.905 điều kiện kinh doanh (tương ứng 15,2%) thực sự bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa. Vì thế, vấn đề được Thủ tướng đặt ra là: “Cần tìm động lực, động năng tăng trưởng của Việt Nam là gì trong quý III, IV-2018 và năm 2019 sắp đến".
Trong bối cảnh đó, tinh thần một Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” một lần nữa cần được lan tỏa mạnh mẽ hơn đến từng bộ, ngành cũng như các cấp chính quyền địa phương trong 5 tháng còn lại của năm 2018.
Đặc biệt, việc dự phòng trước các phương án, đối sách để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và mức tăng trưởng kinh tế hợp lý là rất cần thiết. Trong đó, cần tập trung đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển về chất lượng trong tất cả các ngành, lĩnh vực; tháo gỡ thể chế đang ràng buộc sự phát triển của đất nước. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách, nâng cao sức cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: "Chúng ta không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018, kể cả thuế môi trường xăng dầu, cải cách VAT, không điều chỉnh giá một số loại hàng hóa, dịch vụ công, như giá điện, kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ, y tế. Cần ổn định tỷ giá VND theo mức linh hoạt 2% so với cuối năm 2017. Không thay đổi chính sách tiền tệ đã đề ra từ đầu năm..."
Quyết liệt nhiều giải pháp như vậy, rõ ràng mới có thể về đích các mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.