Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền lợi của học sinh có ảnh hưởng?

Thống Nhất| 13/10/2017 06:58

(HNM) - Những ngày qua, việc Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam hợp tác với một đơn vị để khai thác khu giáo dục thể chất trong khuôn viên nhà trường đang khiến dư luận băn khoăn...

Khu bể bơi Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.


Thí điểm mô hình hợp tác khai thác tài sản công


Năm 2010, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam được TP Hà Nội đầu tư gần 400 tỷ đồng để xây dựng một cơ ngơi khang trang trên diện tích 50 nghìn mét vuông tại quận Cầu Giấy, là ngôi trường hiện đại nhất của Thủ đô và cả nước. Chính vì vậy, thông tin về việc nhà trường hợp tác với một đơn vị bên ngoài để cùng khai thác công năng sử dụng khu giáo dục thể chất đã khiến dư luận băn khoăn.

Khu giáo dục thể chất của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có hai phần, gồm khu ngoài trời và khu trong nhà có sàn tập thể dục và bể bơi.

Bà Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, sau 7 năm đưa vào sử dụng, khu thể chất đã xuống cấp. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực tài chính eo hẹp, việc duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất của trường còn hạn chế, nếu để lâu dài sẽ ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học. Chủ trương hợp tác của nhà trường nhằm phát huy tối đa hiệu quả cơ sở vật chất khu giáo dục thể chất, nâng cấp điều kiện học tập, sinh hoạt của học sinh, giáo viên, trong đó có cả 12 đội tuyển học sinh Hà Nội và học sinh quốc gia học tập, sinh hoạt hằng năm tại trường.

Bà Lê Thị Oanh cho biết thêm, căn cứ pháp lý của việc hợp tác khai thác tài sản công với một đơn vị bên ngoài nhà trường được thực hiện theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 23/2016/TT-BTC về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập. Gần đây nhất, tại Nghị định số 04/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc công nhận và xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục.

Tại Thông báo số 3824/UBND-KT của UBND TP Hà Nội, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng được nằm trong “Danh mục các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp”. Với những căn cứ này, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã báo cáo xin phép Sở Giáo dục và Đào tạo được thực hiện thí điểm theo quy định.

Không ảnh hưởng quyền lợi học sinh

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, Sở đã thành lập Tổ công tác trực tiếp kiểm tra, làm việc với lãnh đạo Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Quá trình rà soát cho thấy, việc hợp tác được nhà trường tiến hành theo trình tự từ tiếp thu ý kiến đề xuất của đội ngũ giáo viên chuyên môn, có sự đồng thuận của Đảng ủy, liên tịch Ban giám hiệu và các đoàn thể nhà trường. Vấn đề ở chỗ, hợp đồng nguyên tắc giữa nhà trường với đơn vị hợp tác được ký từ tháng 4-2017 và một số nội dung đã được triển khai trong dịp học sinh nghỉ hè năm học 2016-2017, trong khi ngày 7-8-2017, tại Thông báo số 3824/UBND-KT của UBND TP Hà Nội, nhà trường mới được chỉ định nằm trong danh mục các đơn vị được UBND TP Hà Nội cho phép quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Viết Cẩn cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo tại Thông báo số 3824/UBND-KT, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã giao Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thực hiện thí điểm. Nhà trường đã hoàn thành hồ sơ và đang chờ Sở Tài chính trình UBND thành phố phê duyệt. Từ các căn cứ pháp lý và thực tế kiểm tra của tổ công tác, ông Nguyễn Viết Cẩn nhận định, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã thực hiện theo chủ trương của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập và thông tư của Bộ Tài chính về quản lý, tài sản nhà nước, song thực hiện vội vàng, chưa tuân thủ theo quy trình quy định.

Để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tăng cường giám sát, phối hợp với đơn vị hợp tác để bảo đảm hiệu quả triển khai, đồng thời dừng khoản thu từ việc liên kết, chờ sự hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Phía nhà trường cũng cam kết tuân thủ nguyên tắc hợp tác là không làm ảnh hưởng đến kiến trúc, kết cấu của công trình, chỉ triển khai ngoài giờ học, bảo đảm an ninh trật tự, không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của nhà trường, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của học sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyền lợi của học sinh có ảnh hưởng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.