Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy trình phê duyệt giải ngân vốn dự án theo Luật Đầu tư công được tiến hành chặt chẽ

Đình Hiệp| 04/06/2022 19:11

(HNMO) - Chiều 4-6, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2022, trả lời câu hỏi về quá trình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt liên quan khâu quy trình, thủ tục, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đây là một chương trình tổng thể gồm 5 điểm chính, đồng thời tiếp nối các nghị quyết trước đây được Quốc hội và Chính phủ ban hành.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Chương trình phục hồi tổng thể lồng ghép với nhiều chương trình nên ngay sau khi được phê duyệt đã được triển khai ngay. Tổng thể gói phục hồi là gần 347.000 tỷ đồng, gồm chương trình mua vắc xin là 46.000 tỷ đồng (hiện chưa cần dùng tới) nên số tiền còn lại là 301.000 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay, đã giải ngân được 22.000 tỷ đồng cho tất cả các chương trình. Trong đó, chương trình cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để thuê và mua nhà ở xã hội đã giải ngân được hơn 4.000 tỷ đồng/19.000 tỷ đồng, cho hơn 100.000 người vay vốn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời họp báo.

Với nhóm hỗ trợ công nhân thuê nhà, đến ngày 20-5, thực hiện giải ngân được 1,7 tỷ đồng trên tổng số 6.600 tỷ đồng cho hơn 2.500 người lao động.

Đối với nhóm miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, đã hỗ trợ được 11.800 tỷ đồng trên tổng gói là 64.000 tỷ đồng. Đây là một trong những chính sách được ban hành sớm, từ tháng 2-2022.

“Với 130.000 tỷ đồng cho các chương trình, dự án, do quá trình thực hiện tương tự như việc thực hiện quy trình thủ tục về đầu tư công, nên phải thực hiện nghiêm túc theo quy định pháp luật”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin.

Do phải làm theo quy trình đầu tư công, nên cần làm cẩn trọng và hiện đã xong bước đầu là xây dựng danh mục dự án để làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư. "Các bước quy trình phê duyệt giải ngân vốn dự án theo Luật Đầu tư công rất chặt chẽ, không thể làm tắt vì như vậy vi phạm quy định luật. Theo quy định thì phải làm từng bước. Chúng ta không nên quá sốt ruột vì giải ngân vốn ngân sách rất quan trọng, giải ngân sai một đồng cũng dẫn tới hệ lụy phức tạp”, Thứ trưởng nói.

* Liên quan đến câu hỏi về tín dụng cho bất động sản bị siết chặt, liệu có gây tác động lớn thị trường hay không, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, chưa bao giờ có phát ngôn về "siết" hay "cắt", mà là kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng trong một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trả lời họp báo.

Theo đó, ở các phân khúc như xây khu nghỉ dưỡng, những mảng có hiện tượng đầu cơ và lũng đoạn giá... thì quan điểm và tinh thần chỉ đạo là tiếp tục kiểm soát. Còn tín dụng trong các phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ vẫn tiếp tục tinh thần hỗ trợ tín dụng, đặc biệt hiện nay còn hỗ trợ giảm lãi suất cho vay thêm 2%.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy trình phê duyệt giải ngân vốn dự án theo Luật Đầu tư công được tiến hành chặt chẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.