(HNMO) - Chiều 29-3, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô giai đoạn 2015-2020, xây dựng kế hoạch 5 năm 2021-2025 và định hướng đến năm 2030
hiều 29-3, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô giai đoạn 2015-2020, xây dựng kế hoạch 5 năm 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”.
Dự hội thảo có các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế và đại diện các sở, ban, ngành thành phố. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì hội thảo.
Theo đánh giá tổng quan thực hiện các mục tiêu phát triển, kết quả năm 2018 và dự kiến đến năm 2020, Hà Nội đạt 13/17 chỉ tiêu. Các đột phá phát triển bao gồm: Đẩy mạnh cải cách hành chính; triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin; áp dụng ISO trong quản lý công việc; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Các kết quả cụ thể là: Tăng trưởng khá với tốc độ bình quân 8,5%/năm; cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng; cơ cấu lao động theo ngành kinh tế có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng lao động dịch vụ và giảm tỷ trọng lao động trong công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp; trở thành điểm đến hàng đầu của đầu tư nước ngoài; cơ cấu giá trị sản xuất nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực; công nghiệp công nghệ cao bước đầu phát triển...
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế như: Tăng trưởng ngành nông nghiệp không ổn định; các ngành công nghiệp bậc công nghệ thấp và trung bình thấp có xu thế tăng; dịch vụ liên quan đến công nghệ cao, đến đổi mới sáng tạo chưa phát triển như kỳ vọng; khoảng cách về lực lượng lao động được đào tạo giữa khu vực thành thị và nông thôn còn khá xa...
Các ý kiến tham luận tại hội thảo đã nêu ra nhiều thế mạnh cũng như các hạn chế của Hà Nội trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, công tác quản lý, quy hoạch. Bên cạnh đó, một số ý kiến bày tỏ mong muốn Hà Nội có các chính sách ưu đãi để trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển của các công ty, tập đoàn lớn vì điều này có sức lan tỏa rất lớn.
Muốn làm được như vậy cần quy hoạch hạ tầng ưu tiên cho phát triển kinh tế. Vấn đề văn hóa đô thị, cải thiện môi trường, tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân nên được coi là điểm đột phá cho phát triển trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, Hà Nội cần quan tâm đến các chính sách xuất khẩu tại chỗ, phát triển logistics, chú trọng công tác đào tạo… nhằm phát triển các loại hình dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.