Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch cán bộ phải bảo đảm cân đối, hài hòa, hợp lý, liên thông

Võ Lâm| 26/01/2022 06:48

(HNM) - Ngày 27-12-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị khóa XIII ký ban hành Quy định số 50-QĐ/TƯ về công tác quy hoạch cán bộ. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc quy hoạch cán bộ phải bảo đảm cân đối, hài hòa, hợp lý, liên thông.

Bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới

Về các quy định chung, Quy định số 50-QĐ/TƯ nêu rõ 5 nguyên tắc, 5 mục đích, yêu cầu của Bộ Chính trị. Trong đó, công tác quy hoạch cán bộ phải theo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, liên thông, công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch cán bộ.

Việc quy hoạch phải coi trọng chất lượng, bảo đảm cân đối, hài hòa, hợp lý, liên thông giữa các khâu trong công tác cán bộ; giữa quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng; giữa đánh giá với quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, giữa cán bộ quy hoạch với cán bộ đương nhiệm; giữa nguồn cán bộ ở trung ương với địa phương, địa bàn và lĩnh vực công tác; giữa nguồn cán bộ tại chỗ với nguồn cán bộ từ nơi khác; phấn đấu quy hoạch theo cơ cấu 3 độ tuổi, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn, lĩnh vực công tác.

Quy hoạch cấp ủy các cấp phải gắn với quy hoạch lãnh đạo, quản lý; lấy quy hoạch các chức danh cấp ủy làm cơ sở để quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý; quy hoạch cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cấp trên; gắn kết chặt chẽ quy hoạch cán bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị với quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.

Quy định số 50-QĐ/TƯ cũng nêu rõ việc chỉ quy hoạch chức danh cao hơn. Mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý quy hoạch không quá 3 cán bộ, 1 cán bộ quy hoạch không quá 3 chức danh ở cùng cấp. Không thực hiện quy hoạch đồng thời với việc đề xuất bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Về mục đích, yêu cầu, Bộ Chính trị nêu rõ, phải rà soát, đánh giá toàn diện nguồn cán bộ trước khi đưa vào danh sách giới thiệu nhân sự quy hoạch; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công bằng, công tâm, công khai, minh bạch, đúng quy trình, thẩm quyền. Không đề xuất, phê duyệt quy hoạch những trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện. Đồng thời thực hiện phương châm quy hoạch "động" và "mở". Hằng năm đánh giá, rà soát để kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới từ nguồn nhân sự tại chỗ hoặc nguồn nhân sự từ nơi khác đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có triển vọng phát triển.

3 trường hợp cán bộ đương nhiên ra khỏi quy hoạch

Dung lượng lớn nhất trong Quy định số 50-QĐ/TƯ là phần Quy định cụ thể từ Điều 4 đến Điều 12. Đáng chú ý, về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, Bộ Chính trị là cơ quan phê duyệt quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý đối với nhân sự là Ủy viên Trung ương Đảng (cả chính thức và dự khuyết). Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (không bao gồm nhân sự quy định tại Khoản 1 điều này) và các chức danh phải lấy ý kiến thẩm định của các ban, cơ quan Đảng ở Trung ương theo quy định của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ...

Tiêu chuẩn đối với cán bộ quy hoạch cơ bản thực hiện như tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với chức danh theo quy định hiện hành. Tại thời điểm quy hoạch, cấp có thẩm quyền có thể xem xét, phê duyệt quy hoạch với những cán bộ cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh bổ nhiệm theo quy định.

Về độ tuổi, cán bộ được quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp phải đủ tuổi công tác 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất phải trọn một nhiệm kỳ kế tiếp đó (60 tháng). Khi rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm cho nhiệm kỳ hiện tại, cán bộ đưa vào quy hoạch phải còn đủ tuổi công tác ít nhất từ 72 tháng trở lên.

Quy định số 50-QĐ/TƯ cũng nêu rõ, phấn đấu cơ cấu, tỷ lệ quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp theo hướng: Cán bộ trẻ dưới (45 tuổi đối với Trung ương; dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện) từ 15% trở lên; cán bộ nữ từ 25% trở lên; tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với từng địa bàn, lĩnh vực; cấp huyện và tương đương trở lên phải có cán bộ nữ trong quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý.

Có hai quy trình quy hoạch cán bộ, đó là "Xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ kế tiếp từ nguồn nhân sự tại chỗ" và "Rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ hằng năm từ nguồn nhân sự tại chỗ hoặc từ nguồn nhân sự ở nơi khác".

Cũng theo Quy định của Bộ Chính trị, các trường hợp đương nhiên ra khỏi quy hoạch gồm: Cán bộ quá tuổi quy hoạch hoặc bị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên (đối với cá nhân) hoặc kết luận không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị của chức danh quy hoạch. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị căn cứ quy định của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ, có trách nhiệm cụ thể hóa cho phù hợp với đặc điểm, tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị nhưng không trái quy định này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch cán bộ phải bảo đảm cân đối, hài hòa, hợp lý, liên thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.