(HNM) - Bản chất, mục đích của việc họp là thảo luận, tìm giải pháp và đưa ra những quyết định đúng đắn nhất dựa trên trí tuệ tập thể để giải quyết một hoặc nhóm vấn đề đặt ra...
Họp nhiều, họp không xuể và “chạy sô”... là thực trạng có phần quen thuộc với một số cán bộ tại nhiều cơ quan, đơn vị trong cả nước. Đơn vị hành chính lớn họp nhiều việc lớn, đơn vị hành chính nhỏ cũng họp nhiều việc không coi là nhỏ. Lĩnh vực càng phức tạp, họp càng nhiều, thành phần càng đông. Cứ đến “hẹn” cuối quý, 6 tháng, cuối năm, các ngành, đơn vị lại sơ kết, tổng kết… Thậm chí, có cuộc họp chỉ mang tính thông báo, cung cấp thông tin nhưng thành phần cũng rất “xôm”! Đáng buồn là có người dự họp chỉ để đủ thành phần mà không thật sự quan tâm nội dung vì không chịu trách nhiệm trực tiếp, vì đã có tập thể biểu quyết…
Sự họp hành liên miên quả thực đã đến hồi báo động, vì trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của mỗi cơ quan, đơn vị. Gánh nặng họp hành còn gây tốn phí ngân sách nhà nước, triệt tiêu tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, là cái cớ để người chịu trách nhiệm đổ lỗi “do tập thể”. Còn với người dân, khi phải chờ đợi chỉ vì “lãnh đạo bận họp” cũng là nỗi niềm không biết ngỏ cùng ai…
Thực trạng “họp nhiều, hiệu quả chẳng bao nhiêu” không phải bây giờ mới được đề cập. Nhiều địa phương, cơ quan đã “vặn dây cót”, thay đổi cách thức, phương pháp họp, nhưng chuyển biến trên bình diện chung chưa mạnh. Vậy, để thay đổi tận gốc, vấn đề nằm ở đâu?
Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc họp là cách làm hiệu quả đã được chứng minh vì hạn chế đáng kể quỹ thời gian “chết” đọc báo cáo, tìm tài liệu. Đó cũng là cách để thành viên dự họp chủ động, tìm tòi, đóng góp ý kiến chất lượng. Cách làm này được TP Hà Nội vận dụng triệt để thời gian qua, góp phần giảm thời gian, tiết kiệm chi phí.
Song, vấn đề cốt lõi làm thay đổi bản chất, hình thức cuộc họp phải nằm ở việc thay đổi cơ chế quản lý, điều hành. Trên thực tế, “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” là nguyên tắc có nơi, có lúc đã bị một số cá nhân là người đứng đầu cơ quan, đơn vị lợi dụng để tăng cường họp, ỷ lại vào tập thể. Vì vậy, sự vận dụng nguyên tắc này trong thời gian qua ở một số nơi chưa phát huy được sức mạnh trí tuệ tập thể như mong muốn; ở khía cạnh nào đó còn sinh ra lối làm việc dựa dẫm, sợ trách nhiệm.
Để các cuộc họp bàn thảo vấn đề đúng trọng tâm, trọng điểm và thành phần, chúng ta cần phân định lại cơ chế nêu trên theo hướng thật khoa học, minh bạch. Cùng với đó, đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền để tăng tính tự chủ cho từng cấp, từng ngành, từng vị trí việc làm. Việc phân cấp, phân quyền này phải theo nguyên tắc tương ứng với trách nhiệm và hiệu quả công việc. Một vấn đề quan trọng nữa để giảm họp là rà soát, sửa đổi để tránh chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị... Khi tính độc lập của mỗi đơn vị, sở, ngành, phòng, ban được đề cao, sẽ giảm thiểu được các cuộc họp. Song, trên hết và quyết định vẫn là yếu tố con người. Khi những người ở cương vị lãnh đạo quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lúc ấy việc họp sẽ không còn quá tải.
Tổ chức họp là cần thiết, thậm chí đây còn là phương thức giải quyết tất yếu đối với những vấn đề mới, nóng, phức tạp, tác động nhiều chiều. Nhưng như người xưa nói: Quý hồ tinh, bất quý hồ đa. Xác định rõ tính chất và chỉ tổ chức họp khi cần thiết thì thực trạng nhiều cán bộ, cơ quan, đơn vị nặng gánh họp hành sẽ thay đổi thực chất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.