Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy định cho phép mang thai hộ: Nhiều vướng mắc khi thực hiện

Tuệ Diễm| 03/04/2015 06:48

(HNM) - Từ ngày 15-3, Nghị định số 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ (MTH) vì mục đích nhân đạo có hiệu lực. Tuy nhiên, các y, bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) đã phát hiện nhiều bất cập…

Các chuyên viên thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.


Tại hội thảo triển khai Nghị định số 10/2015/NĐ-CP do Bộ Y tế tổ chức tại TP Hồ Chí Minh mới đây, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, một trong ba bệnh viện của nước ta được phép thực hiện kỹ thuật MTH cho biết, bệnh viện vừa nhận được lời năn nỉ của một cặp vợ chồng xin làm thủ tục đăng ký MTH. Theo trình bày thì người con đầu của vợ chồng trên bị di chứng Down, người mẹ sau sinh nở gặp tai biến sản khoa phải cắt bỏ tử cung nên không còn khả năng sinh con. Họ rất mong được làm thủ tục MTH để có thêm người con thứ hai. Tuy nhiên, bác sĩ phải từ chối vì theo quy định chỉ được sử dụng kỹ thuật MTH cho các vợ chồng vô sinh và chưa có đứa con chung nào.

Về góc độ luật pháp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Hồng Hải cũng phân vân, nếu đồng ý thì đồng nghĩa chúng ta coi trẻ bị Down, hay dị tật là những đứa trẻ không được bình thường. Điều này thể hiện sự phân biệt đối xử với trẻ em. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương, khi người MTH đến bệnh viện để sinh thì bệnh viện không biết sẽ ghi tên sản phụ là ai. Vì thực tế, nếu ghi tên người MTH, người mẹ nhờ mang thai sẽ không được cấp giấy chứng sinh để sau này làm thủ tục khai sinh cho con. Nếu không ghi tên cho người MTH thì các chế độ thai sản của họ sau này sẽ bị ảnh hưởng.

Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết phải ghi giấy chứng sinh cho người mẹ nhờ MTH vì đây là con hợp pháp, nhưng riêng giải quyết vấn đề thai sản sẽ làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) để tháo gỡ vướng mắc, vì người mẹ nhờ mang thai và phụ nữ MTH đều được hưởng chế độ thai sản. Theo đó, các giấy tờ, thủ tục xác minh sẽ sớm được Bộ Y tế, BHXH ban hành thông tư hướng dẫn triển khai cụ thể nhằm gỡ rối thủ tục MTH.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết, thời gian qua nhiều người gọi điện hoặc hỏi tư vấn trực tiếp tại bệnh viện đề nghị MTH, khiến các bác sĩ rất mất thời gian để giải thích cho họ hiểu, luật pháp chỉ cho MTH vì mục đích nhân đạo đối với các cặp vợ chồng vô sinh đã tìm mọi cách điều trị nhưng không thể sinh con. Qua đó cũng cho thấy, có một bộ phận không nhỏ phụ nữ không muốn mang thai. Chính vấn đề này khiến nhiều người lo ngại sẽ xảy ra tình trạng đẻ thuê tương tự như nhiều nước cho phép MTH.

Ông Nguyễn Viết Tiến cũng thừa nhận, Bộ Y tế đã có những lo ngại khi Việt Nam thực hiện cho phép MTH. Tuy nhiên, Việt Nam là nước đi sau nên sẽ rút kinh nghiệm từ nhiều nước khác, sẽ quán triệt tình trạng MTH vì mục đích thương mại. Nhờ đặc điểm này mà các cấp quản lý của Bộ Y tế và Bộ Tư pháp đều khá tự tin sẽ dẹp bỏ nguy cơ đẻ thuê ở Việt Nam. Đơn cử, chỉ với quy định người MTH phải là người đã sinh con và chỉ được phép MTH 1 lần, khó thể lọt kẽ hở pháp luật để thực hiện hành vi đẻ thuê.

Bên cạnh đó, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Hồng Hải cho biết, hiện Bộ Tư pháp đã soạn dự thảo luật hình sự để xử lý hành vi tổ chức MTH theo mục đích thương mại. Dự kiến, những người tham gia tổ chức MTH vì mục đích thương mại sẽ bị xử phạt tối đa 7 năm tù giam. Đối với cán bộ y tế tham gia vào đường dây này sẽ nhận thêm án phạt bị cấm hành nghề 5 năm. Ông Nguyễn Hồng Hải cho rằng, với mức án phạt nặng như trên các y bác sĩ sẽ không dám đánh đổi lương y lẫn tương lai nghề nghiệp để bắt tay với đường dây tổ chức thực hiện kỹ thuật MTH nhằm thu lợi nhuận bất chính.

Vấn đề lại đặt ra, theo Nghị định 10/2015/NĐ-CP và Luật Hôn nhân và gia đình không có quy định cấm MTH cho người nước ngoài, vậy trên tinh thần luật không cấm thì có thể thực hiện? Trước khúc mắc này, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, cách đây vài năm, một tổ chức đẻ thuê ở Thái Lan bị bắt, trong đó phát hiện một số phụ nữ ở Việt Nam đang MTH. Những người này đã bị buộc trở lại Việt Nam và hậu quả nặng nề là đứa trẻ sinh ra vô thừa nhận phải gửi vào trung tâm từ thiện. "Pháp luật không cấm, nhưng Bộ Y tế không khuyến khích các bệnh viện làm vì có nguy cơ để lại hậu quả xấu trong xã hội", ông Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định cho phép mang thai hộ: Nhiều vướng mắc khi thực hiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.