Theo cơ quan hỗ trợ dịch vụ y tế, các nhà chức trách Thái Lan đang chuẩn bị sửa đổi luật mang thai hộ để chào đón các cặp vợ chồng nước ngoài đến tìm người thay họ sinh con ở nước này.
Arkhom Praditsuwan, Phó Tổng Giám đốc cơ quan hỗ trợ dịch vụ y tế cho biết, theo luật hiện hành, chính thức được gọi là "đạo luật bảo vệ trẻ em sinh ra thông qua công nghệ hỗ trợ sinh sản", người sử dụng dịch vụ mang thai hộ phải là người Thái Lan.
Việc sửa đổi này sẽ cho phép các cặp vợ chồng nước ngoài cũng có thể đến tìm kiếm dịch vụ mang thai hộ tại nước này. Họ có thể đưa những bà mẹ nhận nhiệm vụ mang thai hộ đến hoặc chọn phụ nữ Thái Lan để thực hiện vai trò nói trên. Một ủy ban của sở hỗ trợ dịch vụ y tế hiện đang soạn thảo các quy định có liên quan.
Ông Arkhom cho biết: "Nếu dự luật được thông qua, đây sẽ là dự luật đầu tiên thuộc loại hình này trên thế giới. Người nước ngoài đặc biệt chú ý đến vấn đề này và khi được tự do hóa, lĩnh vực kinh tế y khoa sẽ có sự thay đổi khá tích cực".
Ông nhấn mạnh dự luật cũng sẽ nêu rõ các phương pháp chi tiết để ngăn chặn nạn buôn người.
Việc mang thai hộ bất hợp pháp do người nước ngoài thực hiện từ lâu đã là thách thức đối với chính quyền Thái Lan. Ngoài ra, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục thực hiện các cuộc điều tra liên quan đến các hoạt động như: Buôn lậu tinh trùng, trứng và phôi đông lạnh trái phép vào và ra khỏi đất nước.
Đạo luật hiện hành có hiệu lực từ năm 2015, với các quy định cứng rắn để kiểm soát việc mang thai hộ và cấm các cặp vợ chồng nước ngoài sử dụng dịch vụ này sau một số vụ bê bối nổi tiếng.
Tiến sĩ Sura Wisedsak, người đứng đầu cơ quan hỗ trợ dịch vụ y tế cho biết, luật này đã giúp ích cho nhiều cặp vợ chồng gặp vấn đề về sinh sản tại Thái Lan. Tỷ lệ điều trị sinh sản thành công ở nước này ngày càng tăng và công nghệ được sử dụng đã được quốc tế công nhận.
Ông nói thêm, năm ngoái, số trẻ sơ sinh đã giảm xuống dưới 500.000 và con số này có thể còn giảm hơn nữa trong năm nay. Trong năm 2024, cơ quan này sẽ thúc đẩy sửa đổi đạo luật, chẳng hạn như cho phép phụ nữ nhận trứng hiến tặng từ người thân ở độ tuổi 20-40 và cho phép phụ nữ trên 55 tuổi mang thai hộ cho chính con của mình.
Hiện trên đất nước có 115 cơ sở điều trị hiếm muộn, bao gồm 67 phòng khám, 31 bệnh viện tư nhân và 17 bệnh viện công.
Mỗi năm có khoảng 800.000 người tử vong ở Thái Lan khiến dân số ngày càng bị thu hẹp. Cũng như nhiều quốc gia khác, Thái Lan cũng phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, khi công dân trên 60 tuổi hiện chiếm 20% tổng dân số và tỷ lệ này được dự đoán sẽ đạt 1/3 vào năm 2030.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.