(HNMO) - Sáng 31-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 66 đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến. Tại phiên họp sáng nay, 4 thành viên Chính phủ gồm: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ giải trình thêm các vấn đề đại biểu đặt câu hỏi, quan tâm.
Hoàn thiện thể chế, văn bản pháp luật trên không gian mạng
Đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn Ninh Bình) nêu ý kiến, việc xuất hiện các dạng tranh chấp, vi phạm pháp luật và tội phạm mới trên môi trường số làm phát sinh yêu cầu điều chỉnh pháp luật do hệ thống pháp luật truyền thống chưa dự liệu hết. Việc ứng dụng các công nghệ mới cũng tạo điều kiện cho việc đẩy nhanh quá trình thực hiện chính phủ điện tử, thành phố thông minh, đồng thời đòi hỏi một nền tảng pháp lý phù hợp. Đại biểu mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm hoàn thiện thể chế, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Về vấn đề quản lý internet, mạng xã hội hiện nay, đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn Tiền Giang) cho rằng, Việt Nam là một trong những nước có số người tham gia mạng xã hội nhiều nhất thế giới. Do đó, cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong hệ thống chính trị và nhân dân; tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội khi không gian mạng ngày càng phát triển.
Theo đại biểu Đinh Công Sỹ (Đoàn Sơn La), hiện nay, không ít cá nhân lợi dụng không gian mạng để làm công cụ chống phá, vi phạm pháp luật, kích động bạo lực, tác động tiêu cực đến xã hội. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương tăng cường phổ biến Luật An ninh mạng và pháp luật liên quan, định hướng dư luận trước những thông tin sai trái, nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Giám sát an toàn mạng quốc gia; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên không gian mạng để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường này.
Nhiều vấn đề tồn tại trong giải ngân vốn ODA, FDI
Về kết quả thu ngân sách, đầu tư công, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn Hải Phòng) nêu 3 vấn đề tồn tại: Cơ cấu thu chưa bền vững khi tăng thu nội địa vượt dự toán 1,9%; các khoản thu không có tính bền vững như thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết tăng mạnh; thu từ 3 khối doanh nghiệp đều không đạt kế hoạch. Do đó, đại biểu đánh giá, thu ngân sách từ thực chất nội lực của nền kinh tế còn thấp.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng cũng đề cập tình trạng chậm giao vốn, giao nhiều đợt, chậm điều chỉnh vốn đầu tư phát triển, trong đó có vốn ODA, chưa được cải thiện. Hậu quả là nhiều dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội chậm được triển khai, bị dở dang, kéo dài. Đặc biệt, một số dự án ODA sắp hết thời hạn hiệp định nhưng vẫn chưa hoàn thành, để lại nhiều hệ lụy.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc giải ngân vốn FDI liên tục tăng trong thời gian qua, số vốn giải ngân FDI từ năm 2016 đến nay đã đóng góp 40% vốn đầu tư xã hội, 20% GDP. Tuy nhiên, kết quả mang lại từ FDI chưa trọn vẹn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ, các địa phương khi cấp phép đầu tư cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài cần đặt yếu tố an ninh quốc phòng, môi trường và công nghệ lên hàng đầu, đúng định hướng Nghị quyết số 50-NQ/TƯ ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”.
Khắc phục hai hạn chế lớn nhất trong ứng dụng khoa học và công nghệ
Làm rõ thêm một số nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, ngành Khoa học và Công nghệ với tư cách là động lực, quốc sách, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm từ chủ trương đến ưu tiên phát triển.
Chủ trương xuyên suốt đó đã giúp cho khoa học, công nghệ đồng hành và sát hơn với nhu cầu thực tiễn phát triển của đất nước. Các thể chế pháp luật được ban hành đã tháo gỡ các nút thắt liên quan đến khoa học, công nghệ trong thời gian qua, giúp ngành phối hợp tốt hơn với các ban, ngành và địa phương có liên quan.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chỉ ra hai hạn chế lớn nhất trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển. Đó là: Nhu cầu đổi mới công nghệ tự thân tại doanh nghiệp còn hạn chế và yếu; ngành Khoa học và Công nghệ đã đi một chặng đường rất quan trọng và thấy được chuyển động, nhưng từ sản phẩm nghiên cứu đến sản phẩm chuyển giao lại là vấn đề không đơn giản.
Theo Bộ trưởng, hai tồn tại này cần được xử lý để tác động của khoa học, công nghệ tới các lĩnh vực thật sự hữu hiệu. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, sắp tới sẽ tổ chức hội nghị để thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ.
Văn hóa đang đứng trước nhiều vấn đề nảy sinh cần giải quyết
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã đề xuất giải pháp phát triển ngành du lịch và khắc phục tình trạng xuống cấp về văn hóa trong xã hội hiện nay.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, từ năm 2015 đến năm 2018, khách quốc tế đến Việt Nam tăng từ 8 triệu lượt lên 15,5 triệu lượt (25%/năm). Trong 10 tháng năm 2019, Việt Nam đón 14,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi du lịch toàn cầu tăng trưởng 4% và khu vực Đông Nam Á tăng trưởng 5%. Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, phát triển du lịch vẫn còn gặp nhiều tồn tại, hạn chế khi chất lượng du lịch chưa cao, sản phẩm chưa phong phú…
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, cần xem du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực và có tính xã hội hóa cao; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, phối hợp công - tư, trung ương - địa phương, ứng dụng công nghệ; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề cho lao động du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết du lịch, xã hội hóa trong đầu tư cơ sở hạ tầng.
Về lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, sự phát triển của văn hóa hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức, bất cập, nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Gần đây xảy ra tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn hóa công cộng...
Theo Bộ trưởng, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư cho văn hóa, song song với phát triển kinh tế; quan tâm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng đạo đức, văn hóa ứng xử; tiếp tục hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời giới thiệu quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.