(HNMO) - Chiều 20-5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm tán thành việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật tại một kỳ họp theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. |
Về phạm vi điều chỉnh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 điều thuộc 5 chương của Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, bao gồm tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm và hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm để thực hiện cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) và sửa đổi Phụ lục 4 của Luật Đầu tư để xác định dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Việc sửa đổi nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động phụ trợ bảo hiểm có thời gian chuẩn bị để đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và đảm bảo chế tài thực hiện.
Dự án Luật cũng đồng thời sửa đổi, bổ sung 11 điều thuộc 8 chương của Luật Sở hữu trí tuệ để thực thi các cam kết trong 8 điều của Hiệp định CPTPP theo 4 nhóm vấn đề lớn, bao gồm: Sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Về sự cần thiết ban hành luật, trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, dự án Luật được xây dựng để đáp ứng yêu cầu thực hiện Hiệp định CPTPP đã được Quốc hội phê chuẩn theo Nghị quyết số 72/2018/QH14.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định. |
Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật cũng nhận được sự tán thành của Ủy ban Pháp luật.
“Số lượng các điều, khoản của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo dự án Luật không nhiều và có chung mục đích để thực hiện Hiệp định CPTPP. Do đó, Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề nghị của Chính phủ về áp dụng hình thức “một luật sửa nhiều luật” để sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của hai luật nêu trên”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu.
Về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành luật, Ủy ban Pháp luật tán thành việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ bảy theo trình tự, thủ tục rút gọn như đề nghị của Chính phủ.
Trong chiều nay, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.