(HNM) - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 25-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Dự án có tổng số 710 điều, được bố cục thành 6 phần, 29 chương.
Ủy ban Pháp luật của QH cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Dân sự và tán thành nhiều nội dung của dự án luật. Các ý kiến ĐBQH cũng cho rằng việc sửa đổi, bổ sung luật không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà điều quan trọng hơn, đây còn là luật chung của hệ thống pháp luật liên quan đến các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần bảo đảm tính ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội trên cơ sở kế thừa, phát triển pháp luật dân sự Việt Nam.
*Cùng ngày, QH thảo luận về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); biểu quyết thông qua dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự với tỷ lệ tán thành cao.
Với Luật Nhà ở (sửa đổi), việc quy định mở rộng đối tượng, điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhằm tạo yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài và phù hợp xu thế hội nhập quốc tế. Song để cùng lúc bảo đảm an ninh, quốc phòng, luật đã có các quy định chặt chẽ như chỉ cho phép mua nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại không thuộc khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh, cho phép sở hữu có thời hạn 50 năm, hạn chế về tỷ lệ nhà ở được phép mua và sở hữu. Tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà… Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.
Thu hẹp đối tượng được thuê nhà công vụ |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.