Hãng thông tấn bán chính thức ISNA của Iran ngày 25/5 dẫn lời một nghị sỹ cấp cao của Tehran cho biết Quốc hội nước này đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 26 quan chức Mỹ.
Quan chức thuộc Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh quốc gia của Quốc hội Iran, ông Kazem Jalali cho biết "những biện pháp được Quốc hội phê chuẩn có liên quan tới việc trừng phạt một số quan chức Mỹ, những người đang giữ vai trò quan trọng trong một số hoạt động liên quan đến ma túy và tội ác".
Cũng theo ông Gialali, nội dung trừng phạt chi tiết sẽ được quốc hội nước này sớm thông qua.
Thông tin trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt đối với 7 thực thể nước ngoài có quan hệ làm ăn với Iran, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng bổ sung thêm 100 thực thể ở Iran vào danh sách những công ty và đối tượng phải chịu các biện pháp trừng phạt của khối này.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày 25/5, Iran bác bỏ báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) về khả năng có động cơ quân sự trong chương trình phát triển hạt nhân của Tehran.
Phát biểu sau phiên họp nội các, người đứng đầu ngành nguyên tử Iran, ông Fereydoon Abbasi Davani khẳng định IAEA đang đi trệch các nguyên tắc dưới ảnh hưởng của một số nước. Ông Davani yêu cầu IAEA bình thường hóa hồ sơ hạt nhân của Iran với lý do các ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không có quyền thảo luận về các hoạt động hạt nhân của Iran, đồng thời cho rằng phương Tây nên thay đổi thái độ đối với Tehran.
Trước đó, phái viên của Iran tại IAEA Ali Asghar Soltanieh cũng nói rằng báo cáo của IAEA "dựa trên những suy đoán và cáo buộc vô căn cứ."
Ngày 24/5, IAEA tuyên bố đang xem xét thông tin mới nhất về khả năng có thể tồn tại "các động cơ quân sự bí mật" trong chương trình hạt nhân của Iran. Trong báo cáo thuộc diện hẹp, cơ quan này nói rằng có những dấu hiệu cho thấy các động cơ quân sự của Iran "đã được khởi động từ năm 2004" và có thể kéo dài tới gần đây.
Tuyên bố của IAEA càng làm tăng thêm nghi ngờ của phương Tây về việc Iran đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc chương trình năng lượng hạt nhân dân sự, điều mà Tehran vẫn một mực bác bỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.