Sáng 12/11, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua luật ngân sách bao gồm việc bổ sung thêm một số biện pháp “thắt lưng buộc bụng” nhằm đảm bảo rằng chính quyền Athens sẽ nhận được khoản cứu trợ mới từ các chủ nợ quốc tế.
Thủ tướng Antonis Samaras (giữa) sau khi Luật ngân sách 2013 được Quốc hội Hy Lạp thông qua. (Ảnh: AFP) |
Trong cuộc bỏ phiếu được tường thuật trực tiếp trên các đài truyền hình trong nước, 167 trong số 299 nghị sỹ có mặt tại quốc hội gồm 300 thành viên đã ủng hộ ngân sách 2013 với đợt cắt giảm chi tiêu mới, 128 nghị sỹ phản đối và bốn người bỏ phiếu trắng.
Cuộc biểu quyết quan trọng này được tiến hành sau khi Hy Lạp đã thông qua gói biện pháp khẳc khổ và cải cách mới trị giá 13,5 tỷ euro (17,1 tỷ USD) cho tài khóa 2013-2014, với chỉ 153 phiếu ủng hộ trong bối cảnh bất đồng gia tăng cả trong và ngoài Quốc hội. Luật ngân sách mới của Hy Lạp quy định cắt giảm 9,4 tỷ euro (gần 12 tỷ USD), chủ yếu trong các lĩnh vực tiền trợ cấp hưu trí và lương của các cán bộ nhân viên nhà nước. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, GDP của Hy Lạp sẽ giảm 4,5% và nợ của quốc gia này sẽ tăng lên mức 346 tỷ euro (434 tỷ USD) trong năm 2013. Dự báo này đi ngược lại những tính toán lạc quan trước đó.
Việc phê chuẩn hai dự luật trên được Quốc hội Hy Lạp thực hiện theo yêu cầu của “bộ ba chủ nợ quốc tế” là Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Đây đồng thời được xem là “điều kiện tiên quyết” để bộ ba chủ nợ quốc tế giải ngân một gói viện trợ quan trọng hơn nữa cho Hy Lạp. Bình luận về sự kiện trên, giới phân tích cũng cho rằng, kết quả bỏ phiếu sáng 12/11 tại Quốc hội Hy Lạp nhằm thông qua luật ngân sách 2013 đã xoa dịu những nghi ngại trước đó về nguy cơ làm sụp đổ chính phủ liên minh ba bên tại Hy Lạp – một kịch bản tồi tệ nhất và có thể làm giảm khả năng phòng tránh và ứng phó với “thảm họa" của Hy Lạp. Tuy nhiên, những chính sách thắt chặt chi tiêu mà chính quyền Athens đang theo đuổi lại "không được lòng" dân chúng. Chiều 11/11, một đám đông khoảng 13.000 người, chủ yếu là các thành viên của tổ chức công đoàn Syriza và đảng cánh tả Syriza, đã tụ tập bên ngoài Quốc hội để phản đối bản dự thảo ngân sách. Tuy nhiên, cuộc biểu tình trên đã kết thúc một cách hòa bình vào tối cùng ngày.
Trước khi diễn ra phiên bỏ phiếu về luật ngân sách 2013 tại Quốc hội Hy Lạp, Bộ trưởng Tài chính Yannis Stournaras và Thủ tướng Antonis Samaras đã bày tỏ tin tưởng rằng, Athens sẽ nhận được nguồn hỗ trợ tài chính một cách kịp thời để ngăn chặn nguy cơ lâm vào tình cảnh bị phá sản một cách “không theo trật tự”. Theo kế hoạch, ông Stournaras và ông Samaras sẽ tới Brusels trong tuần này nhằm tiếp tục “vớt vát” những nỗ lực quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang ăn mòn nền kinh tế Hy Lạp.
Hồi tháng 10/2012, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras đã cảnh báo, nếu không nhận được khoản hỗ trợ trị giá 31,5 tỷ euro (40,4 tỷ USD) từ phía các “chủ nợ quốc tế”, Hy Lạp có nguy cơ sẽ lâm vào tình cảnh cạn kiệt nguồn dự trữ tiền mặt vào ngày 16/11 tới đây. Tuy nhiên, cho đến nay, cả EU và IMF vẫn còn chưa tìm được tiếng nói chung về cách thức giúp đảm bảo “khả năng chống đỡ” của Hy Lạp trước cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành tại quốc gia này.
Được biết, hiện các bên đang kỳ vọng cuộc họp Nhóm các nước sử dụng đồng euro (Eurogroup) diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 12/11 sẽ tìm được sự đồng thuận về cách thức giải ngân từng phần các khoản tiền hỗ trợ cho Hy Lạp./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.