(HNMO) - Từ 8h sáng nay (30-10), Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, với thời gian kéo dài trong 3 ngày liên tiếp. Phiên chất vấn tại kỳ họp giữa năm này có nhiều điểm mới khi không chất vấn theo nhóm vấn đề và không lựa chọn danh sách "cứng" các tư lệnh ngành "đăng đàn".
11:40 30/10/2018
4 đại biểu nêu câu hỏi cuối cùng trong phiên chất vấn buổi sáng11:32 30/10/2018
Điều chỉnh các chính sách thuế là hợp lý
Với câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, trong điều kiện cắt giảm thuế quan do hội nhập kinh tế, giảm nguồn thu ngân sách trung ương do giá dầu thô giảm, việc điều chỉnh các chính sách thuế là hợp lý.
Trong các giải pháp thực hiện, có giải pháp là điều chỉnh và bổ sung 8 luật thuế, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, và sắp tới là thuế tài sản. Theo tinh thần chung, việc điều chỉnh các chính sách thuế thuế bảo đảm tính trung lập của thuế, mở rộng cơ sở thu, bám sát khuyến nghị của IMF.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, các chính sách thuế còn lồng ghép nhiều chính sách an sinh xã hội, chính sách thu hút đầu tư còn dàn trải, kể cả về ngành, nghề, quy mô, vốn, vùng - miền, công nghệ...
Người đứng đầu ngành Tài chính cũng đồng ý rằng, việc điều chỉnh chính sách thuế là để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, nhưng cũng phải tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo hài hòa, các sắc thuế phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng |
11:14 30/10/2018
Nhiều chính sách ưu tiên cho công chức, viên chức người dân tộc thiểu số
Trả lời câu hỏi của ĐB Đinh Thị Kiều Trinh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 402 về phê duyệt đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới. Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng và sửa đổi, bổ sung chính sách đặc thù trong tuyển dụng, xác định tỷ lệ tối thiểu cán bộ... làm việc ở các địa phương.
Về chế độ chính sách, thời gian qua, các đối tượng này đã từng bước được ưu tiên cộng điểm khi thi tuyển và xét tuyển công chức, viên chức. Tại Thông tư 05 của Bộ Nội vụ đã quy định miễn thi ngoại ngữ trong thi nâng ngạch công chức với người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, việc ưu tiên quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ trẻ vào chức danh được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp thi tuyển vào chức danh lãnh đạo, với 2 người cùng trúng tuyển cùng một chức danh, qua vòng 2, ưu tiên cho người dân tộc thiểu số.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục tạo điều kiện và cơ hội để người dân tộc thiểu số phát huy và tham gia sâu rộng hơn vào hệ thống chính trị ở địa phương.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân |
11:13 30/10/2018
Hơn 80% KCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời câu hỏi về ô nhiễm làng nghề, khu công nghiệp. Bộ trưởng cho biết, đến nay, các loại hình làng nghề gây ô nhiễm môi trường đã được nhận dạng. Đối với các khu công nghiệp (KCN), Chính phủ đã đặt ra yêu cầu về xử lý nước thải tập trung. Trên 80% KCN đã đầu tư hệ thống hạ tầng và trên 10% các khu đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Các KCN đã có bước tiến đáng kể về cải thiện môi trường, nhưng vấn đề này ở các cụm công nghiệp là hết sức nan giải, do nguồn nhân lực và đầu tư còn hạn chế, tỷ lệ đầu tư hạ tầng xử lý nước thải tập trung và giám sát môi trường còn khiêm tốn.
Chính phủ đã ban hành 4 nghị định quy định quyền hạn, trách nhiệm, nội dung kiểm soát vấn đề môi trường tại các KCN và làng nghề. Tất cả các làng nghề, KCN, cụm công nghiệp đều phải tuân thủ quy định về môi trường và gắn trách nhiệm bộ, ngành với địa phương để chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường. Thực tế kiểm tra vẫn còn nhiều khu sử dụng công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe người dân. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thường xuyên.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà |
11:12 30/10/2018
Xây dựng đạo đức, văn hoá cần gắn liền với phát triển kinh tế
Trả lời câu hỏi của ĐB Đinh Thị Kiều Trinh, ĐB Nguyễn Quang Tuấn, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận, đến nay sự xuống cấp của đạo đức xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Một số văn hoá truyền thống, lối sống văn hoá, ứng xử xã hội bị suy thoái, thể hiện ở việc: Đạo đức nghề nghiệp sa sút, gian lận học hành, bằng cấp; bạo lực gia đình gia tăng, nhất là bạo lực với người cao tuổi…
Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đề xuất một số giải pháp: Trước hết là về trách nhiệm quản lý nhà nước, sau khi có Nghị quyết 33-NQ/TW năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do BCH Trung ương ban hành, Bộ VH,TT&DL đã ban hành nhiều nghị định liên quan đến việc chấn chỉnh quản lý lễ hội; xét tặng gia đình văn hoá, thôn văn hoá, làng văn hoá… Bộ cũng tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết việc thực hiện phong trào gia đình văn hoá sau 18 năm thực hiện để phong trào này đi vào thực chất và hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng nêu giải pháp phát huy sứ mệnh của văn học, nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng văn hoá ứng xử, hướng con người tới “chân – thiện- mỹ”. Bộ VH,TT&DL cũng đã phố hợp liên ngành trong giáo dục đạo đức, lối sống như phối hợp với Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Thông tin-Truyền thông…; phát huy Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, trong đời sống nhân dân.
Theo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, việc khắc phục những vấn đề về đạo đức, văn hoá gia đình cần sự vào cuộc của toàn xã hội và nhiều lĩnh vực, trong đó chú trọng vào vấn đề “gốc” là phát triển kinh tế. Bộ trưởng nhấn mạnh, văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển kinh tế xã hội. Từ trước đến nay, cứ nói đến đạo đức xã hội là giao cho các ngành văn hóa, xã hội. Nếu vẫn giữ quan điểm này thì rất khó khắc phục sự xuống cấp văn hóa, xã hội mà cả xã hội phải vào cuộc.
“Nếu để một mình ngành văn hoá loay hoay với việc này thì rất khó vì hiện nay kinh phí cho lĩnh vực này là rất thấp”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ.
Bộ trưởng cho biết thêm, trong việc phân bổ ngân sách, các địa phương dành cho ngành văn hóa rất ít, ví dụ, 3 năm qua, ngân sách cấp cho bảo tồn di sản phi vật thể qua Bộ chỉ có 7,3 tỷ đồng. Nếu không có những giải pháp đồng bộ, đến nhiệm kỳ sau, vấn đề đạo đức xã hội sẽ lại tiếp tục được đưa ra chất vấn.
"Theo tôi, đây là vấn đề không thể giải quyết một sớm, một chiều", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện |
11:07 30/10/2018
Sôi nổi chất vấn các vấn đề về văn hoá và môi trường
ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Bộ trưởng được Thủ tướng Chính phủ phân công là tổ trưởng tổ công tác về kiểm tra công vụ, giúp Thủ tướng kiểm tra việc thực thi công vụ, đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc triển khai các giải pháp tăng cường kỷ cương hành chính, hiệu quả hoạt động của tổ công tác này?
ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Tinh gọn bộ máy hiện nay vẫn theo cơ học, số lượng tinh giản biên chế chủ yếu vẫn là người đến độ tuổi nghỉ hưu; đầu mối con người giảm nhưng thực chất, hiệu quả công việc chưa cao. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ những nội dung này.
ĐB Nguyễn Vũ Cầu (Nghệ An) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương: Hiện ở Nghệ An có 20 nhà máy thuỷ điện, trong đó có 8 nhà máy đang hoạt động, 6 nhà máy đã xây dựng xong nhưng hiện việc cung cấp điện cho tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, còn 180 bản tại Nghệ An có nhà máy nhưng dân không có điện thắp sáng. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này?
ĐB Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An): Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ VHTT-DL trong việc đưa ra giải pháp nhằm khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức gia đình, xã hội như hiện nay? Tỷ lệ cán bộ công chức người dân tộc thiểu số trong cơ quan Nhà nước có xu hướng giảm, chưa đạt tỷ lệ như yêu cầu. Đâu là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này?
ĐB Nguyễn Quang Tuấn chất vấn Bộ Trưởng Bộ VH,TT&DL: Tiền không thể mua được đạo đức, xã hội. Bây giờ xã hội đã thoát nghèo nhưng nền tảng xã hội bị xuống cấp trầm trọng, vậy đâu là nguyên nhân?
ĐB Mai Sỹ Diến chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Hiện nay chỉ có 26,7% cơ sở làng nghề có thu gom nước thải công nghiệp, 20,9% có thu gom chất thải rắn công nghiệp. Đây là vấn đề lớn trong xử lý môi trường ở nông thôn, nhất là ở các làng nghề truyền thống. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra lại việc kiểm tra xử lý nước thải làng nghề ở nông thôn.
ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắc Nông): Nhiều làng nghề vẫn bị ô nhiễm môi trường, giải pháp để xử lý trong thời gian tới?
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội): Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính về tính nhất quán trong thực hiện chính sách? Giải pháp nào quan trọng nhất để thực hiện nguyên tắc cơ bản của thuế là bảo đảm hài hòa lợi ích người nộp thuế và Nhà nước?
10:58 30/10/2018
Khu Công nghệ cao Hoà Lạc: Có hiệu quả lâu dài và nhiều mặt
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi của đại biểu về khu công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc, Đại học Quốc gia và Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam.
Phó Thủ tướng khẳng định chủ trương quy hoạch và xây dựng 3 khu này đã có từ hơn 20 năm và Chính phủ đã thực hiện theo đúng các Nghị quyết của Đảng, chủ trương, kết luận của Bộ Chính trị. Việc xây dựng cả cụm 3 khu đó là quan trọng, mang lại hiệu quả lâu dài.
Hiện nay, khu CNC cao Hoà Lạc sau gần 20 năm đầu tư nhỏ giọt thì tới năm 2014-2015 đã có sự đầu tư quyết liệt, đặc biệt, UBND TP Hà Nội đã tập trung giải quyết những khó khăn, tồn tại, hiện còn 200ha chưa GPMB trên tổng số 1.500 ha và tới đây sẽ được tiếp tục thực hiện. Chúng ta cũng đã tìm được nguồn vốn từ tài trợ ODA Nhật Bản để xây dựng hạ tầng khu này, gồm 3 khu chức năng: khu công nghiệp; khu nghiên cứu phát triển và khu đào tạo. Khu công nghiệp đến nay đã rất tấp nập. Sau hơn 2 năm đã thu hút 66 dự án, trong đó có nhiều dự án công nghệ cao, có sức lan toả.
"Chúng ta đã bước qua được giai đoạn khó khăn nhất và tiến tới làm tốt trong thời gian tới. Chưa thể kết luận việc đầu tư, xây dựng khu Công nghệ cao Hoà Lạc là không hiệu quả" - Phó Thủ tướng khẳng định.
Với khu Đại học Quốc gia và Làng văn hoá, Phó Thủ tướng nêu khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu vốn trong GPBM nên Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính tìm nguồn vốn để tập trung đầu tư.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
10:53 30/10/2018
Nhập khẩu ô tô chưa có sự đột biến so với trong nước
Trả lời câu hỏi của ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) về vấn đề nhập khẩu ô tô, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu rộng với thế giới. Trong quá trình tham gia hội nhập, hàng loạt hiệp định thương mại tự do được áp dụng thực hiện, trong đó có việc cắt giảm “hàng rào thuế quan”. Đây là cam kết của các nước thành viên cho các thị trường nội địa và việc nhập khẩu của các nước khác. Khi thực hiện việc cắt giảm hàng rào thuế, cơ quan quản lý phải cân đối để bảo đảm lợi ích giữa thị trường nội địa và nhập khẩu. Trong đó, cơ quan quản lý tạo mọi điều kiện để thị trường trong nước phát triển, bảm đảm lợi ích của các doanh nghiệp trong nước.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, từ đầu năm đến nay, việc nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam chưa có sự đột biến so với trong nước. Số lượng ô tô nhập khẩu hằng năm là trên dưới 200.000 chiếc.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh |
10:42 30/10/2018
Thực hiện Luật mới, số vụ án tạm đình chỉ điều tra tăng lên10:40 30/10/2018
Các đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi
ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) gửi tới Bộ trưởng Bộ Công an và đại diện Viện Kiểm sát câu hỏi về việc tăng số vụ án và bị can được tạm đình chỉ điều tra trong năm 2018. Đại biểu đặt câu hỏi về nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng này và đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp đột phá.
ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ): Thứ nhất, mặc dù thuế nhập khẩu giảm nhưng giá xe nhập khẩu từ Asean không giảm, thậm chí giá cao hơn trước đây, gây thất thu thuế, người tiêu dùng phải chịu thiệt. Ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng này? Vấn đề thứ hai, việc bổ nhiệm chức danh hàm ở các cơ quan trung ương đã giải quyết đến đâu và hướng triển khai trong thời gian tới?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.