Dụng cụ thử nhanh ung thư được bán nhiều ở các cửa hàng và trên mạng với giá 12.000 đồng cùng quảng cáo phát hiện được ung thư trong 10-15 phút, khiến nhiều chuyên gia y tế lo ngại.
Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội và các website quảng cáo hàng chục dòng sản phẩm que thử ung thư với nhiều tính năng khác nhau. Gõ từ khóa "que thử ung thư" trên công cụ tìm kiếm Google cho ra hàng nghìn kết quả, trong đó phổ biến là que phát hiện ung thư tuyến tiền liệt, buồng trứng, gan, đại tràng, vú... tất cả xuất xứ từ nước ngoài.
Thúy, nhân viên tư vấn trên một trang web chuyên cung cấp công cụ test y tế cho biết que thử ung thư bán khá chạy, có ngày bán được vài trăm bộ kit. "Phần lớn người mua là nữ. Bệnh ung thư ngày càng gia tăng nên mọi người quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn", nữ nhân viên nói. Nhân viên này cũng cho hay que thử cho kết quả chính xác trên 99% các loại ung thư đại tràng, tuyến tiền liệt; riêng ung thư phổi thì kết quả chính xác thấp hơn.
Nam nhân viên một cửa hàng ở quận 10, TP HCM, giới thiệu hộp que test ung thư nhập khẩu từ Mỹ. Trong gói nhỏ bao gồm khay chứa, que thử, dung môi có giá từ 10.000 đến 12.000 đồng. "Thay vì phải đi bệnh viện tốn nhiều tiền để làm xét nghiệm, bạn chỉ cần mua sản phẩm này về tự thực hiện ở nhà có thể phát hiện bệnh ngay", nhân viên này thuyết phục khách hàng.
Người bán giải thích, que test là một xét nghiệm miễn dịch. Ví dụ que thử ung thư tuyến tiền liệt, kết quả hiển thị trong mẫu thử phản ánh chất lượng của kháng nguyên chuyên biệt ở tuyến tiền liệt trong huyết thanh. Tùy vào số vạch sẽ cho biết một người có bị ung thư hay không.
Các bước thực hiện thử nghiệm ung thư bằng que khá đơn giản. Người bán sản phẩm hướng dẫn, đầu tiên ngưởi thử lấy một ống máu (có thể tự chích máu hoặc nhờ nhân viên hiệu thuốc), để khoảng 10 phút cho lắng và lọc lấy huyết thanh. Đặt que thử lên bề mặt phẳng. Nhỏ từ một đến 2 giọt vào vị trí (lỗ) chứa mẫu thử, thêm 1-2 giọt dung môi. Sau 10-15 phút, nếu chỉ có một vạch xuất hiện ở vùng C của cửa sổ lỗ thử thì kết quả là âm tính (không bị ung thư). Nếu có 2 vạch màu ở cả vùng C và vùng T chứng tỏ dương tính, bất kể vạch màu nào xuất hiện trước.
Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, đến nay chưa có tài liệu nào công bố về độ chính xác của que thử ung thư, chưa cơ quan chức năng nào khẳng định về chất lượng que và không loại trừ khả năng có cả hàng giả, hàng nhái. Do vậy, ông khuyên người dân không nên tin vào các công cụ này để tránh tiền mất tật mang.
Giáo sư Đức khẳng định, để biết chính xác một người có mắc ung thư hay không, bệnh nhân cần đến bệnh viện kiểm tra theo phác đồ. Với phương tiện kỹ thuật hiện đại, việc chẩn đoán ung thư ngày càng nhanh và chính xác hơn. Ngoài khám lâm sàng, bệnh nhân có thể được chỉ định chụp X-quang, chụp nhiệt, siêu âm hay chụp cắt lớp vi tính, chẩn đoán tế bào học hoặc làm các xét nghiệm huyết học… Các công đoạn này là vô cùng cần thiết, giúp bệnh nhân hiểu rõ về giai đoạn bệnh của mình.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phó Đức Mẫn, Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn nhìn nhận tâm lý chung của người dân hiện nay rất quan tâm đến sức khỏe. Các que thử ung thư chi phí rẻ, thực hiện nhanh, gọn, tự làm được nên đáp ứng nhu cầu của nhiều người muốn tầm soát bệnh sớm hoặc có thể giữ bí mật căn bệnh của mình nếu chẳng may phát hiện có bệnh.
Tuy nhiên với hơn 40 năm giảng dạy và điều trị ung thư, bác sĩ Mẫn khẳng định chưa có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định tính đặc hiệu của các loại que thử nhanh ung thư. "Tôi chưa từng thấy báo cáo nào ghi nhận các cách dùng que thử này trong chuyên môn tầm soát và điều trị ung thư", ông nói.
Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nếu quá tin vào kết quả của que test ung thư có nguy cơ bỏ lỡ thời điểm vàng chữa bệnh, dẫn đến tiền mất tật mang. Tiêu chuẩn vàng được áp dụng trên toàn thế giới để phát hiện một người bị ung thư hay không, cần một số bước cơ bản như khám lâm sàng với bác sĩ chuyên khoa, xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh để xác định các bất thường, sau đó lấy mẫu bệnh phẩm sinh thiết sẽ xác định được loại ung thư và độ tiến triển. Do đó bác sĩ Mẫn khuyên: "Nếu mọi người thực sự quan tâm đến vấn nạn ung thư, hãy chủ động tầm soát phát hiện bệnh sớm. Điều này rất quan trọng và cho kết quả chính xác hơn là tự ý dùng que thử chưa được kiểm chứng".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.