(HNM) - 15 doanh nghiệp thủy sản lớn của Việt Nam vừa tham gia Hội chợ Thủy sản Boston 2019 - hội chợ thủy sản thường niên lớn nhất khu vực Bắc Mỹ. Năm nay, hội chợ thu hút sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp đến từ hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.
Một gian hàng của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tại Hội chợ Thủy sản Boston 2019. |
Tại hội chợ, các công ty thủy sản Việt Nam như: Minh Phú, Hùng Vương, Nghi Sơn, Seaprimexco... đã nỗ lực nắm bắt xu hướng tiêu thụ của người tiêu dùng, cập nhật các yêu cầu về sản phẩm và ký thêm nhiều hợp đồng mới với các đối tác nước ngoài.
Ông David Cohen, Phó Chủ tịch phụ trách thu mua của Công ty Thủy hải sản Boca (Boca Sales Company) cho biết, ông đánh giá rất cao chất lượng thủy hải sản của Việt Nam và từ khi trở thành đối tác nhập khẩu sản phẩm này của Việt Nam tới nay, ông chưa bao giờ nhận phản hồi không tốt của khách hàng về chất lượng hàng hóa. Công ty của ông Cohen đang thương thảo để ký hợp đồng gia tăng lượng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam cho năm 2019.
Có mặt tại hội chợ, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) nhận định, trong năm nay, cùng với nhu cầu gia tăng của thị trường Mỹ và nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, ngành thủy sản Việt Nam sẽ có nhiều động lực để phát triển.
Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng, thị trường thủy sản tại Mỹ là rất lớn, nhưng thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam ở đây vẫn còn nhỏ bé. Vì vậy, các doanh nghiệp của Việt Nam cần hợp tác với doanh nghiệp nhập khẩu và chế biến của Mỹ để tạo thành liên minh trong chuỗi sản xuất, từ đó bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện cho quy trình thương mại hai bên được duy trì liên tục và không bị cản trở.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển thị trường, ngành thủy sản Việt Nam đang nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển nuôi sạch, nâng cao công nghệ chế biến và thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, các doanh nghiệp tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thủy sản và các loại bệnh phổ biến trong tôm nhằm củng cố lòng tin của người tiêu dùng; đồng thời tích cực thực hiện các hoạt động quảng bá sản phẩm, tăng xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản (VASEP) cho biết, chất lượng thủy sản của Việt Nam đang được đánh giá rất tốt tại các thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Với tình hình kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Mỹ nói riêng có nhiều khởi sắc, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu không chỉ hai mặt hàng chủ lực là cá tra và tôm mà còn nhiều sản phẩm chế biến khác có giá trị gia tăng cao.
Dự kiến đến năm 2020, tiêu thụ thủy sản tại các nước đang phát triển sẽ tăng lên 98,6 triệu tấn và tại các nước phát triển là 29,2 triệu tấn, trong khi nguồn cung chỉ đạt 78,6 triệu tấn. Nắm bắt cơ hội này, cùng với những nỗ lực nâng cao chất lượng, việc tham gia Hội chợ Thủy sản Boston 2019 sẽ giúp quảng bá rộng rãi các thương hiệu thủy sản của Việt Nam.
VASEP cho biết sẽ tập trung phát triển một số thị trường quan trọng, trong đó có Mỹ và các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh bằng chất lượng, không bằng giá rẻ để đưa sản phẩm thủy sản Việt Nam vươn xa hơn ra thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.