Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan tâm chính sách để các doanh nghiệp được tiếp cận đất đai

Ánh Dương| 08/03/2023 17:16

(HNMO) - Ngày 8-3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân chủ trì hội nghị.

Các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan tới giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề liên quan tới giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và mong muốn dự thảo Luật sẽ được hoàn thiện một cách tốt nhất, góp phần đưa chính sách, pháp luật đất đai đi vào thực tiễn cuộc sống, nhất là trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, người dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, tại điểm c, khoản 1, Điều 153 dự thảo Luật quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất phải “Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường”; tại khoản 2, Điều 153 có hướng dẫn cụ thể như thế nào là giá đất phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, cần làm rõ chu kỳ xem xét đánh giá trong thời gian bao lâu; quy mô xem xét phải tương đồng; các điều kiện xã hội tương đương…, nếu không, khi luật hóa, sẽ khó áp dụng.

Góp ý về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, ông Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, Điều 153 quy định về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, song tất cả nguyên tắc, phương pháp, quy trình này mới chỉ là định tính và được giao cho Chính phủ quy định cụ thể, kể cả việc xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.

"Dự thảo Luật quy định việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc là theo mục đích sử dụng đất. Nhưng mục đích sử dụng đất này cũng phải tùy từng trường hợp. Ví dụ như thu hồi đất nông nghiệp để làm dự án nhà ở thương mại thì giá đất trước dự án và sau dự án sẽ khác nhau rất nhiều. Nếu định giá đất để đền bù cho người dân theo giá đất nông nghiệp (giá trước dự án), mà không tính đến địa tô chênh lệch, thì vẫn chưa thể xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư như đã được ghi trong Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương. Điều 153 dự thảo Luật quy định việc định giá đất căn cứ vào thời hạn sử dụng đất và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất. Vậy cần làm rõ các yếu tố khác là những yếu tố nào. Do đó, cần phải cụ thể hóa các yếu tố", Ông Đinh Dũng Sỹ dẫn chứng. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo.

Đề cập đến các hình thức thu hồi đất đai hiện nay (doanh nghiệp tự thảo thuận với người dân, sau đó Nhà nước thực hiện thu hồi hoặc Nhà nước thực hiện thu hồi và giao đất sạch cho doanh nghiệp), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật dự kiến mở rộng thêm một số khái niệm như: Nhà nước thu hồi đất để tạo quỹ đất phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường…

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nêu nghịch lý “2 chính sách và 2 giá”, đối với những dự án quy mô vừa, nhỏ, nếu doanh nghiệp tự thỏa thuận thì giá đền bù rất cao, do doanh nghiệp thu lợi nhuận cao. Trong khi những dự án quy mô lớn do Nhà nước thực hiện thu hồi, có giá đền bù thấp hơn, do phải bảo đảm công bằng, hài hòa các mục tiêu, kể cả về lợi ích kinh tế, các vấn đề xã hội.

“Trên thực tế, chưa có doanh nghiệp tự thỏa thuận được giá đền bù thu hồi đất đối với dự án quy mô lớn. Trong tất cả các dự án, Nhà nước đều thực hiện thu hồi, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng, tuy nhiên, việc tính toán, điều hòa giá trị gia tăng từ đất đai còn khó khăn. Đây là vấn đề các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế cần nhìn nhận, đóng góp ý kiến sát thực tiễn, bảo đảm hiệu quả sử dụng đất đai”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đề cập điểm mới trong dự thảo Luật là quyền của người thuê đất trả tiền hằng năm, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, quy định này nhằm khai thác, sử dụng đất một cách hiệu quả; kiểm soát, điều tiết thị trường đất đai ổn định, không lạm dụng tạo nguồn thu từ tài nguyên đất đai. Hiện nay, mọi đối tượng có thể thuê đất 50-60 năm, nhưng trả tiền hằng năm, nhằm khắc phục tư duy nhiệm kỳ trong quản lý, sử dụng đất đai. Tuy nhiên, quy định này cần được tính toán, nghiên cứu kỹ để khuyến khích phương thức trả tiền thuê đất hằng năm, tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp đầu tư dự án lớn...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu tham gia góp ý cần lưu ý kế thừa các quy định mang tính ổn định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng; luật hóa, cụ thể hóa tối đa những nội dung trong các văn bản quy định chi tiết đã được áp dụng hiệu quả qua các thời kỳ. Tuy nhiên, phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm; đề phòng cài cắm lợi ích nhóm vào dự luật.

Đối với VCCI, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phát huy hơn nữa vai trò trong việc tham gia vào dự án Luật, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, đặc biệt là những nội dung liên quan đến đấu giá đất, đấu thầu dự án sử dụng đất, khung giá đất, tài chính về đất đai, thu hồi, đền bù, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị đại diện cơ quan soạn thảo lắng nghe, báo cáo đầy đủ với cấp có thẩm quyền; nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật. Các bộ, ngành hữu quan, các đại biểu tiếp tục đồng hành với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan tâm chính sách để các doanh nghiệp được tiếp cận đất đai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.