(HNMO) - Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Ngọ Duy Hiểu đề nghị 3 đơn vị quản lý nhà tái định cư cần rà soát công việc mình đang thực hiện, xác định đó là chấp hành pháp luật, là mệnh lệnh của Nhà nước và lo cho dân.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. |
Chuyển trả hơn 45 tỷ đồng kinh phí bảo trì 2%
Theo báo cáo của đại diện Sở Xây dựng, tổng quỹ nhà chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố (TP) đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2001 cho đến nay bao gồm 173 toà nhà với 15.210 căn hộ. Trong đó, TP đã có quyết định bố trí sử dụng 14.081 căn cho các hộ gia đình tái định cư, số 1.129 căn còn lại chưa có quyết định bố trí.
Các đơn vị được UBND TP giao quản lý, vận hành nhà chung cư gồm Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội (quản lý, vận hành 147 chung cư); Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (quản lý, vận hành 18 chung cư) và BQL các công trình nhà ở và công sở (quản lý, vận hành 8 chung cư)
Đến nay, các đơn vị được giao quản lý vận hành nhà chung cư tái định cư mới tổ chức thành công được 21 hội nghị để thành lập 21 ban quản trị (BQT) Toà nhà, cụm Toà nhà của 23/173 toà chung cư.
Báo cáo cũng làm rõ về công tác quản lý và sử dụng quỹ bảo trì 2%. Theo các Quyết định số 677 và 2357 năm 2014 của UBND TP, có 149/165 toà được chuyển trả số kinh phí là trên 45 tỷ đồng, trích từ nguồn thu tiền bán nhà tái định cư trong tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính tại Kho bạc nhà nước Hà Nội. 16/165 toà nhà chung cư bán trước Luật nhà ở năm 2005 không có kinh phí bảo trì 2%.
Sau khi tiếp nhận số tiền này, Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội đã lập tài khoản cho riêng từng toà nhà chung cư theo quy định và Sở Tài chính cũng đã chuyển toàn bộ số kinh phí vào tài khoản nêu trên để các đơn vị quản lý vận hành tạm quản lý.
Thành lập ban quản trị lấy quỹ gì hoạt động?
Tại buổi tiếp xúc, bà Vũ Thị Nắm, cử tri đang sinh sống tại chung cư C10, ngõ 28 Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ cho biết, sau 11 năm về ở đã có văn bản nêu 12 vấn đề gửi tới đoàn ĐBQH. Trong đó người dân tại C10 băn khoăn người dân băn khoăn khi thành lập BQT toà nhà thì lấy kinh phí gì hoạt động? Cử tri cũng đề nghị công ty quản lý nhà phải thông báo toàn bộ số tiền bảo trì 2% là bao nhiêu, công ty đã dùng vào việc gì mà lại thông báo đã sử dụng hết.
Các cư dân tại đây cũng kiến nghị xin diện tích làm phòng sinh hoạt cộng đồng. "Tại sao toàn bộ diện tích kinh doanh tại toà nhà lại cho đơn vị khác thuê chứ không phải người dân thuê? Sao không dùng số tiền này để hỗ trợ cho có tiền sửa chữa, vận hành toà nhà?" - Bà Nắm cũng nêu ra hàng loạt câu hỏi.
Giải đáp thông tin về kinh phí bảo trì 2% của các nhà tái định cư nói chung và nhà C10 Xuân La, Tây Hồ nói riêng, ông Nguyễn Việt Hà, Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội GĐ Sở Tài chính cho biết theo Nghị định 71/2010-NĐ-CP, việc cải tạo sửa chữa nhà tái định cư được sử dụng từ nguồn kinh phí 2%. Trước năm 2013, toàn bộ kinh phí này được nộp vàp ngân sách nhà nước cùng tiền bán nhà tái định cư. Sau đó, nhà nước sẽ bố trí từ ngân sách để thực hiện cải tạo nhà chung cư tái định cư. Thực tế có tình trạng tiền ngân sách cấp ra nhiều hơn 2% số tiền của toà nhà đó nộp vào.
Trước thực trạng đó, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Xây dựng tham mưu về cơ chế sử dụng tiền 2% và đã có Quyết định số 19/2013-QĐ-UBND về quản lý sử dụng tiền 2%. Sở Tài chính đã yêu cầu đơn vị quản lý vận hành rà soát số tiền trước đây đã nộp vào ngân sách để hoàn trả lại cho các toà nhà. Qua rà soát, TP đã quyết định hoàn trả tổng kinh phí trên 45 tỷ. Đối với toà nhà nào đã thành lập được BTQ, số tiền hoàn trả sẽ bàn giao trực tiếp cho BQT (thời điểm hoàn trả có 9 toà nhà có BQT, được hoàn số tiền trên 4,7 tỷ đồng).
"Với toà nhà C10 Xuân La, Tây Hồ, tổng kinh phí bảo trì 2% thu được là 234.423.542 đồng. Tuy nhiên, toà nhà này đã được sửa chữa bằng tiền từ ngân sách trước thời điểm có Quyết định 19/2013-QĐ-UBND với chi phí trên 500 triệu đồng. Sở Tài chính và Xây dựng đã thống nhất với số tiền thiếu, ngân sách sẽ bù chứ không thu từ người dân.
Trên nguyên tắc, tiền từ quỹ 2% của toà chung cư nào thì được sử dụng để bảo trì tại chung cư đó. Nhưng, số tiền thu được từ phần diện tích kinh doanh dịch vụ phải nộp vào quỹ chung để sử dụng cho tất cả các toà nhà"- ông Hà giải thích rõ với cử tri.
Công khai tại tất cả các toà nhà về quỹ 2%
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội. Ảnh: ANTĐ |
Cũng tại buổi tiếp xúc, đại diện của 3 đơn vị quản lý toà nhà cho biết, thực tế triển khai công tác quản lý và sử dụng quỹ bảo trì 2% rất khó khăn do quỹ này phần lớn không nhiều (chủ yếu từ vài chục triệu đến vài trăm triệu cho một toà nhà) do giá bán căn hộ tái định cư thấp hoặc nhiều toà nhà không có quỹ bảo trì 2% do bán trước Luật Nhà ở năm 2005.
Đa phần cư dân không đồng thuận với việc sử dụng nguồn kinh phí 2% hoặc nếu phải đóng góp khi có phát sinh bảo trì thì đó là một khoản tiền lớn, không phải họ dân nào cũng có khả năng.
"Do đó, việc sửa chữa duy tu chống xuống cấp, công tác bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị không được thực hiện kịp thời, gây bức xúc dân sinh. Thực tế, trong thời gian qua, Hà Nội cũng đã sử dụng kinh phí từ nguồn gân sách TP nhiều tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện công tác bảo trì đối với quỹ nhà chung cư tái định cư trên địa bàn" - Đại diện Sở Xây dựng nêu.
Về vấn đề công khai khoản kinh phí trên như ý kiến cử tri phản ánh, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội khẳng định trong hơn 100 toà nhà Tổng Công ty đang quản lý, không có toà nào lại không có thông báo công khai về số tiền bảo trì 2%. "Việc chi từ quỹ 2% có chỗ này chỗ khác dân khiếu nại nhưng đều có giải thích" - ông Minh nói.
Về việc mở hội nghị nhà chung cư, ông Minh cho rằng Tổng Công ty là đơn vị đã mở nhiều hội nghị nhất, thành lập ra 19 BQT các toà nhà. Tuy nhiên, quá trình này chậm vì đơn vị đang phải quản lý quá nhiều toà nhà. Và qua kinh nghiệm cho thấy chính quyền địa phương nào nhiệt tình thì việc mở BQT toà nhà sẽ tiến hành thành công.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch quận Tây Hồ cho biết, trên địa bàn quận có 13 chung cư tái định cư. Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP, quận đã phối hợp với Cty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội tổ chức thực hiện quyết liệt công tác thành lập các BQT toà nhà. Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có 5/13 chung cư có BQT, tập trung vào nhóm chung cư đưa vào sử dụng sau năm 2013.
Lo cho dân để thấy rõ trách nhiệm, giải pháp
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội nhận định, 2 buổi tiếp xúc cho thấy, việc thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức, quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư trên địa bàn là vấn đề lớn, nóng, bức xúc, nếu giải quyết được sẽ có ý nghĩa về mặt chính trị, kinh tế - xã hội và tạo được lòng tin của người dân.
Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong quản lý, vận hành nhà tái định cư suốt thời gian dài qua xuất phát đầu tiên từ những bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật, các cơ quan quản lý còn ít kinh nghiệm và sự tham gia chia sẻ của người dân vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, còn phải kể đến sự phối hợp, tham mưu của các cơ quan liên quan chưa tốt, còn có sự chủ quan, né tránh, thờ ơ... Do đó, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội đề nghị 3 đơn vị quản lý nhà chung cư tái định cư cần nghiên cứu, rà soát lại công việc mình đang thực hiện, xác định đó chính là chấp hành pháp luật, là mệnh lệnh của nhà nước và lo cho dân để thấy rõ trách nhiệm và những giải pháp cần làm trong thời gian tới.
Kết thúc buổi tiếp xúc thứ hai về vấn đề này, Đoàn ĐBQH Hà Nội sẽ có thông báo, nêu đề xuất cụ thể đối với từng cơ quan liên quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.