(HNM) - Mùa xuân là mùa lễ hội - một sinh hoạt văn hóa cộng đồng được nhiều người chờ đợi. Nước ta hiện đã thống kê được trên 7.000 lễ hội, phân bố ở hầu khắp các địa phương, trong đó có nhiều lễ hội nổi tiếng không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu, mà còn thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh,
Nước ta hiện đã thống kê được trên 7.000 lễ hội, phân bố ở hầu khắp các địa phương, trong đó có nhiều lễ hội nổi tiếng không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu, mà còn thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, đề cao các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử như lễ hội chùa Hương, Yên Tử, đền Hùng, đền Kiếp Bạc, Phủ Giày, đền Bà Chúa Xứ, Kà Tê, Óc Om Boóc… Cùng với các lễ hội truyền thống được khôi phục, nhiều lễ hội lịch sử, văn hóa, cách mạng mới cũng được tổ chức.
Lễ hội từ xa xưa chủ yếu là vui, đề cao các giá trị lành mạnh, nhưng cũng có mặt trái là thường diễn ra các tệ nạn, ở một chừng mực nào đó là khó tránh. Tuy nhiên gần đây, những mặt tiêu cực này diễn ra phức tạp hơn, gây mất trật tự an ninh, bức xúc trong xã hội, nhiều trường hợp nghiêm trọng cần phải được chấn chỉnh, dẹp bỏ có hiệu quả hơn.
Hà Nội là trung tâm của vùng lễ hội Đồng bằng sông Hồng và cũng là nơi có nhiều lễ hội lớn nhất, kéo dài nhất cả nước. Nói đến Hà Nội, người ta nghĩ ngay đến hội chùa Hương, hội đền Gióng, hội chùa Trầm, chùa Tây Phương. Ngoài ra còn nhiều lễ hội lớn khác thuộc vùng Thủ đô hoặc rất gần gũi với Hà Nội như lễ hội đền Hùng, hội Quan họ làng Lim, lễ hội đền Bà Chúa Kho, lễ hội đền Kiếp Bạc, lễ hội Phủ Giày… Những lễ hội nổi tiếng này đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhiều mặt của đồng bào cả nước, cần tiếp tục khuyến khích phát triển, nhưng mặt khác, đó cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động mang tính tiêu cực như chặt chém khách hành hương từ nơi trọ, đến giá gửi xe, buôn bán hàng cấm, hàng giả, cờ bạc, mại dâm, buôn thần, bán thánh, bói toán mê tín, đốt vàng mã, sửa mâm lễ quá mức, trộm cắp, ăn xin, quấy rầy khách nước ngoài, xả rác gây ô nhiễm môi trường… không chỉ gây mất trật tự, phá hoại cảnh quan mà còn làm xấu hình ảnh đất nước, không thể tha thứ. Điều đáng nói là trong nhiều năm qua, các cơ quan có trách nhiệm, đoàn thể và chính quyền các địa phương đã rất cố gắng nhưng tệ nạn vẫn không giảm bớt, thậm chí tăng lên. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là thiếu cơ chế quản lý hoặc có cơ chế nhưng thực thi không nghiêm, không triệt để và ý thức của người tham gia lễ hội còn kém.
Mùa lễ hội cũng là mùa vui chơi, giải trí, gặp gỡ thăm hỏi nhau của cộng đồng. Lễ hội, ngoài các giá trị tinh thần, cũng là một cách nâng cao dân trí, tăng thu ngân sách, quảng bá du lịch. Để ấn tượng về lễ hội ngày một đẹp đẽ, thu hút được ngày càng nhiều người tham gia, cần có riêng một đạo luật quản lý cụ thể hơn, đòi hỏi việc thực thi pháp luật nơi công cộng nghiêm túc hơn và nâng cao hơn trình độ của những người tổ chức và tham gia hình thức hoạt động văn hóa phi vật thể mang tính cộng đồng này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.