(HNM) - Mạng lưới giao thông của Hà Nội hiện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khi các dự án phát triển hạ tầng còn thiếu hoặc triển khai xây dựng rất chậm...
(HNM) - Mạng lưới giao thông của Hà Nội hiện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khi các dự án phát triển hạ tầng còn thiếu hoặc triển khai xây dựng rất chậm. Trong khi đó, hệ thống đường sắt có công nghệ lạc hậu, chiếm tỷ trọng vận chuyển quá nhỏ so với tổng nhu cầu vận tải. Tỷ trọng vận tải đường thủy cũng thấp so với tiềm năng. Tỷ lệ đáp ứng về vận tải hành khách công cộng trong giao thông đường bộ rất thấp. Giao thông đô thị đang bị quá tải và các giải pháp đưa ra như: Xây thêm cầu vượt nội đô; xén bớt thảm cỏ, cây xanh để mở rộng đường giao thông... cũng chỉ là giải pháp tình thế, không có tính căn cơ v.v...
Vài nét như vậy để thấy việc xây dựng và ban hành Quy hoạch giao thông - vận tải (GT-VT) Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa quan trọng thế nào đối với diện mạo của đô thị Hà Nội nói riêng và Vùng Thủ đô nói chung. Điều này cũng thể hiện quyết tâm của Chính phủ và TP Hà Nội trong định hình một tầm nhìn chiến lược đối với việc xây dựng hệ thống GT-VT Thủ đô đáp ứng các tiêu chí: Bền vững - đồng bộ - hiện đại. Quy hoạch đã thể hiện rõ các tuyến đường vành đai mới, cầu mới; phát triển hạ tầng giao thông công cộng ra sao…; đồng thời cũng chỉ rõ đâu là dự án thuộc trách nhiệm đầu tư của Chính phủ và của thành phố.
Từ bản Quy hoạch nói trên cũng đặt ra trách nhiệm đối với Bộ GT-VT và TP Hà Nội là phải thực hiện nghiêm quy hoạch. Bởi lẽ, chúng ta đã có rất nhiều bài học ở nhiều lĩnh vực khác - quy hoạch tổng thể thì tốt nhưng quy hoạch phân khu, quy hoạch cụ thể lại liên tục điều chỉnh, kéo theo quy hoạch tổng thể bị phá vỡ. Thậm chí có quy hoạch, song vì nhiều lý do khi thực hiện lại không triển khai được, nên đã... điều chỉnh quy hoạch - khiến bao ý tưởng tốt đẹp, bao giá trị khoa học trước đó bị biến dạng.
Nói vậy là bởi, sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Bộ Xây dựng và TP Hà Nội đã có rà soát lại, nhưng diện tích dự án thu hồi được rất ít, đa số là cho tồn tại và tiến hành điều chỉnh. Hoặc như câu chuyện di dời trường đại học, bệnh viện, trụ sở các cơ quan ra khỏi khu vực bốn quận trung tâm… cũng đầy gian nan mà hiệu quả không phải như đã muốn. Thực tế cho thấy, nếu không kiên quyết trong xử lý sẽ để lại nhiều hệ lụy không chỉ với giao thông Thủ đô mà còn nhiều vấn đề khác.
Để Quy hoạch GT-VT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai trọn vẹn, thì cùng với tiếp tục huy động các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, UBND thành phố và các sở, ngành cần tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giao thông. Việc quản lý có hiệu quả, nhất là vấn đề kiểm soát phương tiện cá nhân và tổ chức tốt giao thông chắc chắn sẽ giảm được đáng kể áp lực giao thông. Còn nếu chỉ chạy theo đầu tư hạ tầng thì mãi mãi sẽ không đáp ứng được nhu cầu rất lớn và ngày càng gia tăng trên địa bàn thành phố. Mặt khác, thành phố cần khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch, trong đó chú trọng quy hoạch các công trình ngầm nhằm khai thác hiệu quả không gian này. Cùng với đó là việc phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ GT-VT trong công tác quản lý giao thông, đầu tư xây dựng hạ tầng, đồng thời làm tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án trên địa bàn.
Bất kỳ một bản quy hoạch nào dù có tốt bao nhiêu nhưng nếu bị “nghẽn” khi triển khai, hoặc triển khai theo kiểu biến dạng - thì những ý tưởng, định hình về một đô thị văn minh sẽ khó thành hiện thực. Để có một Hà Nội hiện đại, xứng tầm khu vực trong tương lai, bên cạnh sự quan tâm đúng mức cho việc xây dựng quy hoạch, chính quyền các cấp của thành phố cần có những giải pháp quản lý thật tốt, kiên quyết để bảo đảm cho quy hoạch được tôn trọng và triển khai nghiêm túc. Chỉ có vậy những giá trị khoa học và tầm nhìn của quy hoạch mới phát huy tốt hiệu quả trong cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.