Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016 ở Hà Nội: Sẽ có sự thay đổi về “chất”?

Minh Ngọc| 12/01/2016 07:28

(HNM) - Chiều 11-1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chủ trì cuộc họp về công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016.

Quyết tâm khắc phục những bất cập, hạn chế còn tồn tại, đến thời điểm này, các địa phương có LH lớn diễn ra vào dịp đầu xuân đã lên "kịch bản" tổ chức, được đánh giá là khoa học, hợp lý, có thể phát huy tốt vai trò chủ thể LH của cộng đồng, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của du khách.

Ảnh minh họa


Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự

Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội hiện có hơn 1.000 LH lớn nhỏ, đa số diễn ra vào dịp đầu xuân. Tương tự như các địa phương khác, một số LH ở Hà Nội vẫn còn dịch vụ hàng quán bày bán đan xen không gian LH, gây mất mỹ quan và làm ách tắc giao thông; công tác vệ sinh môi trường chưa thực sự bảo đảm. Hiện tượng cờ bạc dưới hình thức vui chơi có thưởng, tranh giành, ép giá khách chưa được khắc phục triệt để. Tình trạng tranh cướp lộc dẫn đến xô xát còn xảy ra tại Hội Gióng ở Đền Sóc (Sóc Sơn) dịp xuân hội năm 2015...

Kiên quyết không để tình trạng tranh cướp lộc tái diễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh cho biết: Huyện đã thành lập BCĐ, BTC LH Gióng ở Đền Sóc và đưa ra kế hoạch tổ chức trên cơ sở lấy ý kiến đồng thuận của cộng đồng. Dự kiến, huyện sẽ huy động khoảng 200 người tham gia bảo đảm an ninh, trật tự tại tất cả các khâu của LH, đặc biệt là hai đoàn rước trong ngày chính hội (mùng 6 tháng Giêng). "Tục cướp lộc là một trong những nghi lễ văn hóa truyền thống của Hội Gióng ở Đền Sóc, có trong hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Hội Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, không thể bỏ được, muốn tổ chức khác đi thì phải nghiên cứu kỹ. Vì thế, năm nay huyện sẽ tăng cường lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự cho LH Đền Sóc chứ không làm thay vai trò của cộng đồng trong khâu tổ chức", ông Lê Hữu Mạnh nói.

Tương tự, huyện Mỹ Đức đã đưa ra nhiều phương án bảo đảm an toàn cho LH Chùa Hương. Ngoài những phương án "cứng" như mọi năm, năm nay Công an TP Hà Nội sẽ bố trí lực lượng phối hợp với Công an huyện Mỹ Đức liên tục kiểm tra trên các tuyến đường vào Khu di tích - danh thắng Hương Sơn. Nếu phát hiện trường hợp chèo kéo, gây khó dễ cho du khách hoặc gây mất an ninh trật tự, lực lượng này sẽ tiến hành xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, Công an Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Công an Hòa Bình, Hà Nam trong việc tổ chức phân luồng giao thông, giữ gìn an ninh trật tự tại các tuyến đường liên tỉnh đi vào Chùa Hương… Trong những ngày LH diễn ra, xe ô tô, xe gắn máy không được phép lưu thông từ nhà điều hành bến Yến đến đền Trình Ngũ nhạc; xuồng đò có gắn động cơ không có giấy phép sẽ không được chở khách trên các tuyến đường trong khu vực LH.

Một số địa phương có các LH lớn diễn ra dịp đầu xuân như quận Đống Đa, huyện Đông Anh, Mê Linh… cũng sẽ bổ sung phương án bảo đảm an ninh trật tự trong mùa xuân hội 2016.

Xây dựng nếp sống văn minh lễ hội

Song song với việc bảo đảm an ninh trật tự, điểm mới của các LH lớn diễn ra dịp đầu Xuân Bính Thân trên địa bàn Hà Nội là kế hoạch xây dựng nếp sống văn minh nơi thờ tự. Ông Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC LH Chùa Hương Xuân Bính Thân) cho biết: Trước mùa LH diễn ra, huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh lắp dựng hàng quán đúng quy hoạch, chỉ giới đã được phê duyệt, tổ chức tháo dỡ tất cả các điểm hàng quán phát sinh ngoài quy hoạch; nghiêm cấm hoạt động bán hàng rong gây ách tắc trong khu vực di tích. 100% số người trực tiếp chế biến đồ ăn tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được kiểm tra sức khỏe, 100% chủ cơ sở kinh doanh được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chủ phương tiện thuyền, đò tham gia phục vụ vận chuyển khách phải đăng ký, gắn biển quản lý, sơn thuyền, đò bằng sơn màu xanh cho phù hợp với cảnh quan chung; bố trí thùng đựng rác có nắp trên các phương tiện vận chuyển.

"BTC LH Chùa Hương đã yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không đổi tiền lẻ, trường hợp nào cố tình vi phạm sẽ bị xử lý. Ngoài ra, BTC LH còn quy định các hộ kinh doanh không mở loa đài to để quảng cáo, bán hàng, không bán các loại băng đĩa, sách báo có nội dung mê tín dị đoan, không tổ chức các trò chơi núp bóng cờ bạc. BTC sẽ lắp dựng nhiều bảng, biển tuyên truyền, vận động du khách đặt tiền "giọt dầu" đúng nơi quy định, chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường… dọc đường hành hương", ông Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.

Còn quá sớm để khẳng định những bất cập, hạn chế tồn tại dai dẳng có được khắc phục trong xuân hội năm 2016 hay không, song, với sự vào cuộc quyết liệt từ thành phố tới cơ sở, có thể hy vọng LH truyền thống ở Thủ đô ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn:
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm về các vấn đề xảy ra tại lễ hội

Sau cuộc họp này, UBND TP Hà Nội sẽ xây dựng văn bản quy định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, các địa phương đối với công tác quản lý, tổ chức LH. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã sẽ là người trực tiếp chịu trách nhiệm về các vấn đề xảy ra tại các LH trên địa bàn. Thành phố sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra các LH lớn vào trước, trong và sau mùa LH.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016 ở Hà Nội: Sẽ có sự thay đổi về “chất”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.