(HNM) - Nhiều chung cư tái định cư (TĐC) không lập được Ban quản trị (BQT) do người dân không đồng tình. Quỹ bảo trì không có hoặc nếu có thì số dư không đáng kể khiến việc bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế thiết bị gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của nhà TĐC.
Dồn trách nhiệm cho dân?
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 173 tòa nhà chung cư bố trí TĐC phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng. Các chung cư này nằm tại 23 khu nhà ở, khu đô thị mới nằm trên địa bàn 10 quận, với 14.266 hộ sinh sống. Theo quy định, sau khi các hộ dân chuyển về, các chung cư sẽ tổ chức hội nghị thành lập BQT. Song, đến nay mới có 15 nhà chung cư tổ chức hội nghị bầu được 13 BQT, đại diện cho cư dân quản lý tòa nhà. Các chung cư còn lại, đơn vị vận hành vẫn phải làm nhiệm vụ thay cho BQT.
Khu tái định cư Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy).Ảnh: Nhật Nam |
Nguyên nhân đa số dân cư không muốn tham gia hội nghị bầu BQT vì lo nếu thành lập BQT cư dân sẽ phải đóng góp kinh phí để phục vụ quản lý vận hành và bảo trì nhà chung cư. Trong khi đó, đơn vị được thành phố giao quản lý nhà chung cư TĐC và chính quyền địa phương chưa thường xuyên tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu quy định về quản lý vận hành nhà chung cư. Từ sự chưa hiểu rõ sự cần thiết phải có BQT, người dân không tham gia hội nghị, dẫn tới việc giới thiệu người tham gia BQT khó khăn.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, kết quả khảo sát và qua đối thoại với đại diện cư dân cho thấy, đa số cư dân TĐC cho rằng thành lập BQT là dồn trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo trì nhà cho người dân; đồng thời kiến nghị thành phố phải tiếp tục hỗ trợ cư dân kinh phí quản lý, bảo trì, sửa chữa những hạng mục lớn của nhà chung cư.
Vẫn thu giá dịch vụ tạm thời
Không chỉ không lập được BQT, hiện 100% chung cư TĐC vẫn đang áp dụng mức giá dịch vụ quy định tạm thời 30.000 đồng/căn hộ mà chưa thu được phí theo khung giá công bố hằng năm của thành phố. Đáng lưu ý, cư dân cho rằng kinh phí cho thuê diện tích kinh doanh cần phải được trích để bảo trì, bảo dưỡng... nhà TĐC chứ không thể bắt họ đóng góp. Thực tế, ở các chung cư TĐC hiện có 136 tổ chức, doanh nghiệp đang sử dụng hơn 33.000m2 kinh doanh dịch vụ có trả tiền thuê nhà. Số tiền thu được được trích trừ chi phí hoạt động của 2 công ty được giao quản lý, vận hành nhà chung cư; hỗ trợ bù đắp cho phí dịch vụ tạm thu của các hộ; chi cho cải tạo, sửa chữa thang máy, máy phát điện, hệ thống phòng cháy... Tuy nhiên, mức độ dịch vụ của chung cư TĐC vẫn rất thấp. Thiết bị thường xuyên hư hỏng, nhưng sửa chữa rất chậm do thủ tục thanh toán phức tạp.
Quản lý các chung cư tái định cư luôn cần sự chung tay, góp sức của các hộ dân.Ảnh: Hải Anh |
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Handico Nguyễn Tử Quang cho biết, mức phí 30.000 đồng/hộ/ tháng chỉ đủ chi phí cho 1 bảo vệ, trong khi các tòa nhà chung cư cần tối thiểu 6 bảo vệ, 2 lao công. Nhưng, nếu thu theo quy định 4.000 đồng/m2/tháng như với chung cư thương mại thì lại khó cho người dân.
Một vấn đề nữa là nhiều chung cư TĐC sử dụng trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực, nên không có quỹ bảo trì 2%, hoặc nếu có thì cũng không đáng kể vì thu theo giá bán nhà TĐC rất thấp so với nhà thương mại. Do chưa thành lập được Quỹ bảo trì (QBT) nên cơ bản các QBT do công ty vận hành quản lý thông qua tài khoản riêng. Theo ông Nguyễn Tử Quang, việc sử dụng phải được sự đồng ý của các hộ dân, nguyên tắc không được sử dụng của tòa nhà này sửa chữa cho tòa nhà khác. Sau nhiều năm, nhiều thiết bị bắt đầu trục trặc, một số hết niên hạn sử dụng phải thay thế ngay. Nếu sử dụng QBT không thì không đủ, mà thu của dân không phải hộ nào cũng có khả năng đóng góp...
Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị Bộ Xây dựng đưa vào dự thảo nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở sửa đổi năm 2014, nội dung nhà nước hỗ trợ kinh phí bảo trì và quản lý vận hành chung cư TĐC để giải quyết vướng mắc và đáp ứng kiến nghị của đa số người dân. Tuy nhiên, trong khi chờ có hướng dẫn quy định cụ thể, cơ quan chức năng nên tiếp tục giải thích, phổ biến quy định của pháp luật về mô hình quản lý vận hành chung cư, quyền, trách nhiệm của BQT, chủ sở hữu nhà để người dân hiểu và cùng chung tay góp sức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.