(HNM) - Thời gian qua, bên cạnh nhiều nội dung đã được làm tốt cũng còn có những nội dung quản lý nhà nước về TTATXH chưa tới tầm, thậm chí còn bị bỏ ngỏ…
Không đủ sức bao sân
Công tác quản lý nhà nước về TTATXH có thể được nhận dạng qua hàng loạt vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, như TTATGT, PCCC, nhân - hộ khẩu, quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm… Nếu làm tốt công tác quản lý những lĩnh vực như trên, đương nhiên điều kiện nảy sinh tội phạm, vi phạm pháp luật sẽ được phòng ngừa, ngăn chặn. Khi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, nếu quản tốt thì việc xử lý cũng sẽ thuận lợi hơn, kể cả việc quy trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Nhưng thực tế là công tác quản lý nhà nước về TTATXH chưa đạt được yêu cầu đó.
Lực lượng CSGT (CATP) lập biên bản xử phạt chủ phương tiện vi phạm luật giao thông. Ảnh: Minh Quân |
Ngay như trong lĩnh vực TTATGT, nhiều vấn đề tưởng chừng như cốt yếu cũng còn chưa được quản chặt. Chẳng hạn, điều kiện để sử dụng mô tô là phải có bằng lái, nhưng thực tế học sinh phổ thông chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái vẫn vô tư điều khiển xe phân khối lớn, vi phạm nhiều lỗi, thậm chí có trường hợp cố tình "giỡn" lực lượng CSGT. Thực trạng đó ai cũng thấy, nhưng lâu dần có tâm lý chấp nhận. Lý do là bởi CA không có đủ lực lượng để kiểm tra, xử lý hết được các vi phạm. Một vấn đề mới được đề cập gần đây là vấn đề "xe chính chủ". Việc xác định rõ sở hữu phương tiện thì ai cũng công nhận là cần thiết, nhưng triển khai vào cuộc sống lại gặp khó… Việc xe chính chủ hay chuyện bằng lái, kể cả việc nộp các loại phí, bảo hiểm… có vẻ như chưa cấp thiết. Nhưng nếu không bắt đầu bằng những biện pháp quản lý có tính chất "gốc rễ" này thì ý thức tuân thủ pháp luật về TTATGT sẽ còn mất nhiều năm nữa mới hình thành, và TNGT sẽ tiếp tục xảy ra, dẫn đến việc điều tra, giải quyết, khắc phục gặp nhiều khó khăn.
Quản lý nhà nước đối với hình thức kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm cũng đang đặt ra nhiều vấn đề. Mặc dù gọi là quản lý những hình thức "nhạy cảm" và "có điều kiện" nhưng công tác quản lý không xuất phát từ gốc, không siết chặt "điều kiện ban đầu" để được thành lập doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ. Sau khi doanh nghiệp hình thành tràn lan, cơ quan chức năng mới đi kiểm tra, kiểu như "thả gà ra đuổi", khi không quản nổi thì lại đưa ra lý do là không đủ lực lượng. Một dẫn chứng còn "nóng hổi" là sau vụ việc Thẩm mỹ viện Cát Tường gây chết bệnh nhân, trách nhiệm về quản lý nhà nước khó xác định, ngành nọ đẩy cho ngành kia, dư luận và người dân không biết định danh cơ sở thẩm mỹ viện rất to này là cơ sở y tế hay là cơ sở kinh doanh có điều kiện...
Không được phép buông
Như đã nói ở trên, những vấn đề về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực liên quan đến TTATXH là yêu cầu rất quan trọng để bảo đảm và giữ gìn ANTT. Thoạt nhìn tưởng chưa cấp thiết nhưng sự buông lỏng quản lý các lĩnh vực trên sẽ ảnh hưởng to lớn và lâu dài đối với xã hội. Việc quản cho hết, cho chặt quả là chuyện không dễ, nhưng không thể không tập trung thực hiện và cần có sự phối hợp, tham gia hiệu quả của nhiều cơ quan liên quan bởi riêng ngành chủ quản chắc chắn sẽ không kham nổi. Vấn đề đặt ra là phải xây dựng được một cơ chế phối hợp tốt giữa các ngành, các cấp để tránh hiện tượng đùn đẩy, né trách nhiệm. Đơn cử như việc quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện cũng không nên coi đây chỉ là việc riêng của cơ quan CA. Công tác bảo đảm trật tự trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh... cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của chính quyền, các ngành như VH,TT&DL, GD-ĐT, Công thương, Y tế... Bên cạnh sự phối hợp của các cơ quan chức năng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, yếu tố rất quan trọng là huy động được sự đồng thuận và sức mạnh của nhân dân trong việc tự giác chấp hành pháp luật, tích cực tố giác tội phạm, tệ nạn, tham gia giám sát tình hình ANTT tại địa phương...
Theo đánh giá của Chính phủ, Bộ CA, trên nhiều mặt quản lý nhà nước về TTATXH, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng biểu dương. Nhưng thực tế là tình hình tội phạm trên địa bàn vẫn ở mức cao, chiếm 9,5% số vụ phạm pháp hình sự của cả nước. Tệ nạn xã hội còn phức tạp. TTATGT, TTĐT còn nhiều việc phải làm. Các vấn đề về ATVSTP, PCCC, môi trường... cũng đang có nhiều bất cập. Đó thực sự là những thách thức lớn trong điều kiện Thủ đô đang phát triển nhanh. Bởi vậy, đã đến lúc phải đề cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước để cải thiện tình hình TTATXH một cách bền vững...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.