Xã hội

Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội với chế tài xử phạt mạnh

Tiến Thành 24/11/2023 - 16:17

Quy định mức phạt tiền cao hơn, thực hiện các biện pháp ngăn chặn như ngừng cung cấp điện, nước… trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là những chế tài mạnh nhằm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

pccc.jpg
Kiểm tra phòng cháy, chữa cháy tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ tại huyện Mỹ Đức.

Áp dụng biện pháp "mạnh"

Về biện pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Từ thực tế xử lý vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy hiện nay, Thượng tá Phạm Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Gia Lâm cho biết: Một số nội dung, công an cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, quy định áp dụng các biện pháp cưỡng chế chấp hành quyết định xử lý vi phạm còn gặp nhiều vướng mắc. Tương tự là việc xử lý đối với các cơ sở không chấp hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ khi chưa có biện pháp đủ mạnh và phù hợp để các cơ sở chấp hành. Bên cạnh đó, việc áp dụng ngừng, giảm cấp nước, cấp điện còn nhiều ý kiến tranh luận cũng như chồng chéo giữa các quy định.

Với quy định đề xuất tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết tán thành việc ngừng cung cấp điện, nước để ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Theo đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, khi Quốc hội sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” để ngăn chặn việc người bị xử phạt không chấp hành. Tuy nhiên, thời điểm đó, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ngừng cung cấp điện, nước sẽ ảnh hưởng đến quyền con người.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết nhận định, thực tế việc ngừng cung cấp điện, nước là biện pháp nhằm bảo đảm không xảy ra tái diễn vi phạm, không phải ngừng cung cấp cho hộ gia đình, người dân đang sinh sống tại công trình đó.

“Khi Hà Nội đề xuất bổ sung 2 biện pháp này trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tôi hoàn toàn đồng ý và tôi cũng kiến nghị Quốc hội có nghiên cứu thêm. Phải phân định rất rõ trong việc ngừng cung cấp để ngăn chặn các hoạt động xảy ra hành vi đó chứ không ngừng cung cấp, ảnh hưởng đến người dân”, bà Tuyết nói.

Cùng quan điểm này, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng: Quản lý một đô thị đông dân cư, phức tạp về hạ tầng, cần đến biện pháp mạnh, cụ thể và mang tính răn đe, phòng ngừa cao.

Chắc chắn quy định này sẽ có những ý kiến khác nhau, nhưng tôi nghĩ Quốc hội nên đồng tình - ông Trịnh Xuân An nói.

attp.jpg
Kiểm tra an toàn thực phẩm tại một trường học ở quận Ba Đình.

Răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định, HĐND thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn trên toàn địa bàn thành phố nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa của từng lĩnh vực theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm tương ứng trong 6 lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy - chữa cháy, an toàn thực phẩm.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành quy định này. Bên cạnh đó, có ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc tăng mức phạt vẫn chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn đối với các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực có khả năng thu lợi nhuận lớn như đất đai, xây dựng… Do đó, cần có cơ chế linh hoạt hơn trong việc giao thẩm quyền tăng mức xử phạt để bảo đảm hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý của một đô thị hết sức đặc biệt như Thủ đô.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Văn Thịnh nhận định, đây là điểm rất mới trong quy định pháp luật, có thể áp dụng trên địa bàn Thủ đô, sau đó để các tỉnh, thành phố học tập, nhân rộng.

“Khi các quyết định xử phạt hành chính có hiệu lực thì buộc các tổ chức, cá nhân phải nộp phạt xong mới có thể tiếp tục thực hiện các giao dịch khác, như thế thể hiện được sự văn minh của công dân Thủ đô, cũng như văn minh trong xử phạt hành chính của Thủ đô. Một Thủ đô muốn văn minh thì tất cả quyết định xử phạt hành chính phải có hiệu lực và hiệu lực rất cao”, ông Phạm Văn Thịnh nói.

Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Hải Anh đồng tình với cách tiếp cận đối với nội dung này trong dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị cân nhắc để lựa chọn những lĩnh vực cho phù hợp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội với chế tài xử phạt mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.