(HNM) - Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội là văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, đề cập nhiều vấn đề định hướng cho sự phát triển trong 5 năm tới của Thủ đô Hà Nội.
Dưới đây là ý kiến đóng góp của ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Dự thảo đề cập rất nhiều vấn đề mang ý nghĩa căn cốt đối với sự phát triển của Thủ đô, trong đó có nội dung đáng chú ý - chương V: Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong phần thứ hai “Phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu và những vấn đề trọng tâm phát triển Thủ đô 5 năm 2015-2020”.
Trong mục 1 “Phát triển văn hóa”, cần chú ý hơn trong việc dùng một số cụm từ liên quan đến quản lý nhà nước, như “Tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động, dịch vụ văn hóa, tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp văn hóa, các hiệp hội nghề nghiệp”, “Thực hiện tốt công tác quản lý, quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản và bản sắc văn hóa…”, hoặc “chú trọng công tác quy hoạch, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động báo chí xuất bản, thông tin, truyền thông...”.
Thực tế, nội dung quản lý nhà nước không phải chỉ có quy hoạch, kiểm tra, siết chặt các chế tài mà còn có nhiệm vụ rất quan trọng là xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển sự nghiệp. Vì vậy, cần bổ sung đoạn nói về xuất bản, báo chí nói riêng, thông tin, truyền thông nói chung và rộng ra sự nghiệp văn hóa là “quản lý tốt phải đi đôi với phát triển sự nghiệp, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước”.
Cũng trong mục này, đoạn nói về “Đẩy mạnh phát triển văn học, nghệ thuật, phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao...” cũng có một số cụm từ nên điều chỉnh để tránh trùng lặp, hoặc không chuẩn xác như “phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống...” hoặc “Khuyến khích các tầng lớp nhân dân Thủ đô sáng tạo, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc’’.
Ở nội dung “Chú trọng công tác quy hoạch, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, xuất bản, thông tin, truyền thông”, nên đưa cụm từ “thông tin, truyền thông” lên trước, sau đó ghi rõ “trong đó có báo chí, xuất bản”, bởi theo quan niệm hiện nay, báo chí, xuất bản là những lĩnh vực thuộc thông tin, truyền thông.
Bên cạnh đó, trong mục 2 “Tiếp tục xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, nên bỏ từ “chăm lo” trong câu “Thực hiện tốt mục tiêu chăm lo xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện”. Đặc biệt, trong câu “Trọng tâm là, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, nhân cách, văn hóa giao tiếp, ứng xử...”, theo tôi, “văn hóa giao tiếp, ứng xử” mới là một khía cạnh, một góc của vấn đề xây dựng con người nói chung.
Ta chưa chỉ ra trúng cái yếu hiện nay trong xây dựng con người có ảnh hưởng tới nhiều phẩm chất hình thành nhân cách, trong đó có giao tiếp, ứng xử, ấy là văn hóa lao động. Công chức, viên chức nhà nước nhiều nơi đã làm đủ 8 giờ/ngày chưa? Ở mỗi vị trí lao động của từng công dân Thủ đô, mỗi người đã thực hiện tốt những nguyên tắc cơ bản như đúng giờ, có trách nhiệm đến cùng với công việc, với chất lượng sản phẩm…? Lao động làm nên tất cả, thế nhưng ta chưa chú trọng yếu tố nguồn gốc duy trì sự sống của con người và của cả dân tộc, bằng chứng là không có nhận định, đánh giá, giải pháp nào về điều này. Theo tôi, đây là điều rất nên chú ý để bổ sung trong dự thảo. Mặt khác, 5 năm tới là thời kỳ phải đẩy mạnh hơn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nên văn hóa lao động là yếu tố quan trọng không chỉ đối với lao động, sản xuất, mà còn có hiệu ứng xã hội rộng lớn hơn.
Đặc biệt, phải làm rõ phẩm chất đặc trưng của người Hà Nội ngày nay là gì? Xin mạnh dạn nêu lên 4 tiêu chí cần rèn luyện đối với công dân Thủ đô ngày nay. Công dân Thủ đô trước hết phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tri thức cơ bản, có nền tảng văn hóa vừa dân tộc vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và luôn sống, làm việc theo pháp luật. Tất cả những phẩm chất ấy đều do giáo dục mà có. Giáo dục từ gia đình, trong nhà trường và toàn xã hội. Vậy, tất yếu giải pháp ở đây là: Văn hóa phải được quan tâm đúng mức hơn, thực chất hơn, trong đó khâu đột phá bắt đầu từ giáo dục, theo nghĩa rộng nói trên.
Trên tinh thần một vài góp ý cụ thể trong lĩnh vực phát triển văn hóa, xây dựng con người nói trên, thiết nghĩ dự thảo Báo cáo chính trị cũng cần làm nổi bật quan điểm chú trọng đúng mức về vai trò “cơ sở hạ tầng về văn hóa - xã hội” bên cạnh những chỉ tiêu phấn đấu về “cơ sở hạ tầng về vật chất, kỹ thuật”. Việc chưa chú trọng đúng mức trong cả nhận thức và hành động để tạo dựng “cơ sở hạ tầng về văn hóa - xã hội” khiến chúng ta đang phải trả giá (đạo đức, lối sống xuống cấp; tội phạm ngày càng trẻ hóa và độ man rợ gia tăng; thái độ vô cảm của một bộ phận công chức, viên chức...). Chúng ta có thể vay vốn và mua máy móc, công nghệ của nước ngoài để xây dựng cầu đường, sân bay, bến cảng... nhưng không thể vay nguồn nhân lực nước ngoài để xây dựng nền văn hóa Việt Nam và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta được.
Cuối cùng, theo tôi, dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng bộ thành phố lần này cần có những phân tích so sánh với Báo cáo chính trị khóa trước đó để xem trong thời gian qua chúng ta đã làm được gì, còn điều gì chưa làm được và điều gì mới phát sinh, cần được đưa vào văn kiện để thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.