(HNM) - Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao. Hiện ngành Nông nghiệp đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc giám sát hoạt động giết mổ, kinh doanh động vật tại các đầu mối, chợ dân sinh nhằm kiểm tra chất kháng sinh, chỉ số vi sinh vật..., bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm
Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tháng giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 được xác định là vào khoảng 320.000-330.000 tấn thịt lợn, 150.000-160.000 tấn thịt gia cầm… Thời điểm này, vệ sinh an toàn thực phẩm từ các cơ sở giết mổ đến chợ dân sinh tiếp tục là vấn đề “nóng”.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, năm 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã lấy 150 mẫu thịt để xét nghiệm tồn dư kháng sinh, vi sinh vật. Kết quả không mẫu nào phát hiện tồn dư chất kháng sinh, nhưng có 4 mẫu chỉ số vi sinh vật vượt giới hạn cho phép.
Chi cục cũng đã lấy 300 mẫu tại các lò mổ để kiểm tra nhanh chỉ số Salbutamol; lấy 300 mẫu để kiểm tra tồn dư kháng sinh nhóm Chloramphenicol và Tetracycline nhằm kịp thời phát hiện những vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại các cơ sở giết mổ trước khi đưa ra thị trường.
Theo Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long, Cục Thú y đã chỉ đạo các đơn vị lấy mẫu ở cơ sở nghi nhập lậu và các lò mổ tại Hà Nội để xét nghiệm, truy tìm chất cấm trên thịt trâu, thịt bò. Cục Thú y cũng đã cung cấp 5.000 kit test nhanh cho các địa phương để giám sát chặt chẽ các cơ sở giết mổ trâu, bò trên toàn quốc.
Trong năm 2022, Cục Thú y đã phân tích 962 lượt mẫu thịt lợn, thịt gà tiêu thụ nội địa và phát hiện 128 lượt mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh và 1 mẫu vi phạm về tồn dư kim loại nặng. Điều này cho thấy, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn ra ở các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Hiện nay, cả nước có khoảng 23.000 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Thực tế là các địa phương chưa quản lý, kiểm soát được các cơ sở này nên nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm rất lớn.
Đáng lo ngại, các chợ buôn bán, kinh doanh thịt động vật chưa được kiểm tra thường xuyên, các cấp có thẩm quyền lại thiếu sự quản lý chặt chẽ. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn có thói quen mua thực phẩm tại chợ truyền thống (chiếm 80-90%) và dễ dãi trong việc chấp nhận sản phẩm thịt tiêu thụ tại đây...
Có thể thấy, tình trạng kiểm soát chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi đã được cải thiện, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm do số lượng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm lớn, lại nằm xen kẽ trong khu dân cư.
Mặt khác, lực lượng thú y ở cơ sở còn mỏng, việc giết mổ chủ yếu diễn ra vào ban đêm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát chất lượng từ cơ sở giết mổ đến quá trình đưa sản phẩm thịt ra thị trường.
Tăng cường kiểm soát, quản lý
Là một trong những thị trường tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm lớn, để kiểm soát chất lượng sản phẩm từ cơ sở giết mổ đến chợ đầu mối, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, ngành Nông nghiệp đã tăng cường hoạt động kiểm dịch tại các chốt đầu mối giao thông, cơ sở giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời tăng cường kiểm soát nguồn gốc sản phẩm động vật được kinh doanh tại chợ, siêu thị, cửa hàng, cơ sở chế biến… Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, định hướng thói quen tiêu dùng sử dụng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm có nguồn gốc, bảo đảm vệ sinh thú y…
Liên quan đến việc kiểm soát chất cấm trong thực phẩm nhập khẩu, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là ngành Thú y, tăng cường kiểm soát, quản lý sản phẩm nhập khẩu; đồng thời chỉ đạo việc quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản trên toàn quốc, nhất là giám sát sau nhập khẩu tại lò mổ, tại chợ,… bằng phương pháp lấy mẫu xét nghiệm. Nếu phát hiện chất cấm như Salbutamol hay chất ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng thì phải truy xuất nguồn gốc và xử phạt theo quy định của pháp luật.
Đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm nhiều hơn tới việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại hệ thống các chợ truyền thống, chợ đầu mối, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để kiểm soát tình hình sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cơ quan chức năng cần tuyên truyền rộng rãi đến từng hộ dân, từng cơ sở chăn nuôi và trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của loại chất này đối với sức khỏe cộng đồng, với uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Cùng với đó, các địa phương cần nhân rộng mô hình sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết để có thể truy xuất nguồn gốc và gắn trách nhiệm của từng khâu trong chuỗi khi phát hiện sản phẩm không bảo đảm chất lượng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.