Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý bến bãi ven sông: Làm rõ trách nhiệm, xử nghiêm vi phạm

Kim Nhuệ| 22/08/2019 06:34

(HNM) - Theo quy định từ 15-6 đến 15-10 hằng năm, các địa phương phải nghiêm cấm hoạt động khai thác cát, dừng tập kết vật liệu xây dựng ở bãi sông, ven đê... UBND thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm các điểm tập kết, trung chuyển cát, sỏi ven sông (bãi chứa) trái phép trước ngày 31-7-2019 để bảo đảm nhiệm vụ phòng, chống lụt bão. Thế nhưng đến nay, nhiều điểm tập kết, trung chuyển vẫn ngang nhiên hoạt động. Yêu cầu đặt ra là xử lý nghiêm vi phạm, đồng thời làm rõ trách nhiệm các bên liên quan, qua đó loại trừ ẩn họa đối với hệ thống đê điều trong mùa mưa bão.

Các địa phương phải kiên quyết hơn để xử lý dứt điểm các điểm tập kết, trung chuyển cát, sỏi trái phép ven sông, nhất là trong mùa mưa bão.

Bãi chứa vật liệu xây dựng vẫn ngang nhiên hoạt động

Theo quy định của Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai, từ ngày 15-6 đến 15-10 hằng năm, các địa phương nghiêm cấm hoạt động khai thác cát trên sông; dừng hoạt động tập kết vật liệu xây dựng lên bãi sông, ven chân đê; đồng thời, giảm độ cao chất tải các bãi chứa. Trước mùa mưa bão năm nay, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm quy định, hoàn thành việc xử lý các bãi chứa trái phép trước ngày 31-7.

Thế nhưng, khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên, Đông Anh, thị xã Sơn Tây… cho thấy một thực tế là: Có rất nhiều bãi chứa ven sông hoạt động bất chấp các quy định pháp luật và chỉ đạo của thành phố. Cụ thể, nhiều chủ bãi chứa không những không giảm độ cao chất tải về mức quy định dưới 3m mà còn tiếp tục tổ chức các hoạt động chất tải vật liệu xây dựng lên bãi sông…

“Chúng tôi từng hy vọng đến ngày 31-7-2019 sẽ có những giấc ngủ ngon, không phải đóng kín cửa để ngăn khói, bụi, tiếng ồn từ bãi sông dội vào. Vậy mà mọi thứ vẫn diễn ra như chưa hề có chuyện gì. Chẳng lẽ, chính quyền địa phương chưa nắm được chỉ đạo của UBND thành phố?”, bà Nguyễn Thị Chín, một người dân xã Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ) đặt câu hỏi.

Trao đổi về việc này, ông Hồ Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Đình cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của thành phố và huyện Phúc Thọ, xã thường xuyên nhắc nhở các chủ bãi giải tỏa, không tập kết vật liệu xây dựng để bảo đảm hành lang thoát lũ, an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa bão…”. Thế nhưng, theo quan sát thực tế của phóng viên Báo Hànộimới trong ngày 20-8 tại khu vực bãi sông Hồng thuộc địa bàn xã Cẩm Đình vẫn có khoảng 20 tàu vận tải đậu sát mép kè sông chờ đến lượt chuyển cát lên bãi tập kết. Hiện, gần 20.000m2 bãi sông ở đây đã bị chất tải hàng chục nghìn mét khối cát với độ cao trung bình hơn 3m dọc sông Hồng…

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các xã Thống Nhất, Vạn Điểm của huyện Thường Tín; thị trấn Phú Minh, xã Văn Nhân của huyện Phú Xuyên; xã Thọ An của huyện Đan Phượng…

Theo thống kê của Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 200 bãi chứa, trong đó 188 bãi đang hoạt động. Điều đáng nói, trong số các bãi chứa đang hoạt động chỉ có gần 40 bãi có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa… Các quận, huyện có nhiều bãi chứa ven sông là: Ba Vì, Thường Tín, Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm…

“Các bãi chứa hoạt động trong mùa mưa bão không chỉ cản trở dòng chảy, gây mất an toàn hệ thống đê điều mà còn góp phần "tiếp tay" cho vấn nạn khai thác cát trái phép và tình trạng xe quá khổ quá tải phá nát mặt đê, các tuyến đường giao thông...”, ông Phạm Quang Đông, Trưởng phòng Quản lý đê (Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội) nhìn nhận.

Làm rõ trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở

Nhiều bãi chứa ven sông trên địa bàn huyện Phúc Thọ chưa thực hiện yêu cầu giảm độ cao chất tải. Ảnh: Kim Văn

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên, lãnh đạo một số địa phương cho rằng: Đối với những bến bãi nằm ngoài quy hoạch, nhiều công trình được xây dựng từ lâu, cuộc sống của các chủ bến bãi chủ yếu dựa vào kinh doanh vật liệu nên tiến độ xử lý rất chậm. Cùng với đó, việc chưa có quy hoạch vị trí bến bãi mới cho các hộ trong diện di dời, giải tỏa đã ảnh hưởng đến quá trình xử lý vi phạm...

Về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng Nguyễn Đông Hiếu cho biết thêm: "Huyện liên tục chỉ đạo xử lý vi phạm nhưng các chủ bãi không nghiêm túc thực hiện. Các chủ bãi vì lợi ích kinh tế đã cố tình vi phạm các quy định của pháp luật".

Giải thích nguyên nhân chậm di chuyển, giảm độ cao chất tải ở bãi chứa, Giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng, bốc xếp hàng hóa Hoàng Văn Huy (doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện Thường Tín) cho rằng: “Chúng tôi đã nỗ lực thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng nhưng do thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng hiện nay rất chậm nên chưa đáp ứng yêu cầu hạ tải bãi chứa”…

Tuy nhiên, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội Trần Thanh Mẫn, nhiều bãi chứa trên địa bàn chậm giải tỏa là do chính quyền một số xã cho các tổ chức, cá nhân thuê đất để làm bến bãi tập kết cát không đúng thẩm quyền, hoặc làm ngơ để bến bãi không có giấy phép hoạt động…

Để bảo vệ an toàn cho các tuyến đê trong mùa mưa bão, ông Trần Thanh Mẫn cho biết, ngày 13-8, UBND thành phố đã giao các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra hoạt động của các bến thủy nội địa, bãi chứa vật liệu xây dựng ven sông. UBND thành phố cũng yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục rà soát, quy hoạch, cấp phép theo quy hoạch các bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng; đồng thời xử lý nghiêm các bến bốc xếp vật liệu xây dựng vi phạm, dẹp bỏ những bến bãi không trong quy hoạch, hoạt động trái phép. Cùng với đó là nghiêm cấm việc neo đậu tàu thuyền, bốc xếp vật liệu xây dựng tại các vị trí đê, kè, cống, công trình phòng, chống lụt bão...

“Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác quản lý đất đai tại các địa phương có nhiều bến bãi tập kết vật liệu xây dựng và đề xuất UBND thành phố xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương để xảy ra vi phạm…”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết.

Rõ ràng, đã đến lúc phải có những giải pháp mạnh hơn để siết chặt việc quản lý bến bãi ven sông nhằm loại trừ ẩn họa đối với hệ thống đê điều trong mùa mưa bão.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý bến bãi ven sông: Làm rõ trách nhiệm, xử nghiêm vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.