Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý an toàn thực phẩm ngay từ khâu sản xuất

Minh Bắc| 12/03/2016 07:25

(HNMO) - An toàn thực phẩm (ATTP) đang là vấn đề nóng ở nhiều nơi khiến nhiều người lo ngại bởi sự ngộ độc khi sử dụng các sản phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả… Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp việc quản lý ATTP hiệu quả đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Chủ tịch MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác thăm-làm việc tại tỉnh Hà Nam tháng 2/2016.



Hiện tình trạng hàng hóa nông sản, thực phẩm không sạch đang xảy ra khá trầm trọng khiến phần đông người tiêu dùng Hà Nội mất lòng tin vào hàng hóa thực phẩm của Việt Nam. Bởi thế, hàng hóa chúng ta dù có nhiều ưu thế nhưng rất khó để thắng trên sân nhà chứ chưa nói trên sân khách.

Làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Đó là câu hỏi lớn cần trả lời trong chính sách. Để trả lời câu hỏi này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã được giao thêm trách nhiệm giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm. Và MTTQVN đã chọn Hà Nam, địa phương đầu tiên để thực hiện nội dung giám sát trong năm 2016. Hơn nữa, Hà Nam là một trong những địa phương cung cấp nhiều nông sản, thực phẩm cho Hà Nội.

Theo số liệu từ Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội, hàng năm Thủ đô có nhu cầu tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn rau, củ/năm. Các cơ sở sản xuất rau an toàn (RAT) của Hà Nội chỉ đáp ứng khoảng 60% còn lại được cung cấp từ các địa phương khác. Như vậy, để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng thì Hà Nội không những quan tâm đến vấn đề ATTP ở các cơ sở sản xuất của mình mà còn phải quan tâm tới ATTP ở các tỉnh khác như Hà Nam.

Qua kiểm tra, giám sát về ATTP của MTTQVN tại Công ty cổ phần An Phú Hưng, một mô hình sản xuất cây trồng chất lượng cao ở xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân có thể rút ra một số vấn đề từ cách tổ chức liên kết cho đến quản lý ATTP.

Về tổ chức, đây là mô hình liên kết với doanh nghiệp Nhật Bản triển khai dự án trồng đậu bắp, rau, củ, quả sạch, ứng dụng khoa học công nghệ cao, đưa cơ giới hoá vào sản xuất, bảo quản, chế biến, tạo ra sản phẩm chất lượng. Doanh nghiệp đứng ra thuê lại đất của nông dân với thời hạn 20 năm. Các hộ nông dân cùng nhau góp đủ đất hay gọi là tích tụ đất theo chủ trương chính sách của tỉnh để giao cho doanh nghiệp sử dụng. Phía tỉnh hỗ trợ về hạ tầng như: đường điện, trạm bơm, kênh mương tưới tiêu và đường giao thông đến tận chân hàng rào dự án. Doanh nghiệp chỉ lo đầu tư bên trong hàng rào và sản xuất ra các sản phẩm sạch. Người cho thuê đất được doanh nghiệp ưu tiên nhận vào làm việc tại Công ty với mức lương trung bình khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện Công ty đã đầu tư vào dự án 12.825 tỷ đồng, với 21,59 ha đất thuê kết quả sản lượng rau đạt được năm 2015 là 491,75 tấn, hiệu quả diện tích sản xuất rau củ quả sạch gấp 10 lần sản xuất truyền thống. Về ATTP, Giám đốc Công ty CP An Phú Hưng khẳng định: Tất cả các loại nông sản do Công ty sản xuất ra đều là sản phẩm sạch, được đưa vào tiêu thụ tại các nhà hàng, bếp ăn, siêu thị trên địa bàn tỉnh và thành phố Hà Nội. Hàng sản xuất ra nhiều khi không đủ để cung cấp cho nhu cầu của thị trường.

Đây quả là vấn đề rất quan trọng vì các sản phẩm được quản lý ATTP ngay từ gốc, từ nơi sản xuất và được đảm bảo bằng cả “tính mạng” doanh nghiệp dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý chuyên môn. Về vấn đề này, Chủ tịch MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nông nghiệp Việt Nam muốn vươn lên công nghệ cao cần sử dụng chuyên gia nước ngoài, hướng tới xuất khẩu hay huy động khoa học công nghệ. Việc dùng chuyên gia nước ngoài với công nghệ cao và xuất khẩu sản phẩm chính là hướng đi tắt đón đầu và là con đường đưa công nghệ cao vào nông nghiệp của Hà Nam.

Lãnh đạo tỉnh Hà Nam cũng khẳng định, chính sách tích tụ đất mà Hà Nam đang thực hiện là nhằm phát triển nông nghiệp "sạch'' bảo vệ môi trường vì sức khỏe người dân và là hướng đi mới trong xây dựng nông thôn mới.

Đó chính là cơ chế quản lý ATTP ngay từ gốc. Điều này được thể hiện ngay từ trong suy nghĩ, hành động của người nông dân đến doanh nghiệp thuê đất. Mô hình sản xuất này đã và đang khẳng định vai trò, vị trí của một phương thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhìn ra, các mô hình thành công đều có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp cùng chính sách hỗ trợ và quan tâm của các cấp chính quyền.

Tuy nhiên, mô hình cũng còn những thách thức lớn đó là việc xử lý mối quan hệ giữa người cho thuê đất với doanh nghiệp, giữa bên cung sản phẩm với các địa phương lân cận vì là mô hình chuỗi giá trị sản phẩm nên cần phải có những tính toán cụ thể. Ngay cả khi chất lượng sản phẩm tốt nhưng xuất sang các thị trường khác như Nhật thì cần phải có công nghiệp phù trợ như công nghệ chế biến, bao bì, bảo quản… giúp sản phẩm vừa đẹp vừa đảm bảo chất lượng lại không bị dập nát.

Để có điều này rất cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương tạo điều kiện cơ chế cho các doanh nhân yên tâm đầu tư vào nông nghiệp. Đặc biệt là vai trò của chính quyền như một cây gậy chống cho doanh nghiệp vững tâm hơn khi mạnh dạn đầu tư vào chuỗi quy trình sản xuất, tiêu thụ rau an toàn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý an toàn thực phẩm ngay từ khâu sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.